Ông Trí cho biết, từ đầu năm đến nay, một số địa phương thu nợ thuế đạt tỷ lệ cao như Kiên Giang thu nợ đạt 83% kế hoạch năm, Hà Tĩnh đạt 80%. Hà Nội thu được 6.300 tỷ đồng, TP.HCM thu được 5.100 tỷ đồng…
“Số nợ đọng thuế trong 6 tháng đầu năm nay tăng nhẹ so với cuối năm 2015, do kinh tế khởi sắc nhưng còn chậm, nên hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn, kinh doanh thua lỗ, khả năng thanh toán còn hạn chế. Còn một bộ phận doanh nghiệp chây ì nộp thuế...”, ông Trí nói.
Cũng theo đại diện Tổng cục thuế, việc cưỡng chế thu thuế bằng trích tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Lý do là doanh nghiệp có nhiều tài khoản, nhưng lại cung cấp cho cơ quan thuế tài khoản “rỗng”.
“Doanh nghiệp cung cấp tài khoản cho cơ quan thuế nhưng nhiều tài khoản đó rất ít tiền, thậm chí không có dòng tiền ra vào. Do đó để khắc phục hạn chế này, tới đây có thể cân nhắc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tất cả các loại tài khoản, hoặc phải cung cấp các tài khoản phải có tiền đủ lớn để đảm bảo thực thi nghĩa vụ thuế…”, ông Trí nói.
Để tăng cường thu nợ thuế từ nay đến cuối năm, ngành thuế đang tập trung phân loại nợ, phân tích cụ thể để có phương án đốc thúc thu, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế.
“Ngành thuế cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đặc biệt là với cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, tòa án… để thành lập các tổ liên ngành để thu nợ thuế…”, ông Trí cho hay.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng qua, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra gần 22.000 doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu 4.270 tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái.