Doanh nghiệp chạy đua phát hành chứng khoán

Doanh nghiệp chạy đua phát hành chứng khoán

(ĐTCK) Phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành cho cán bộ công nhân viên…, nhiều hình thức phát hành cổ phiếu đang được hàng loạt DN niêm yết thực hiện.  

CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) vừa nhận được giấy phép phát hành hơn 31 triệu cổ phiếu. Dự kiến, Công ty sẽ thực hiện phát hành ngay trong tháng 7 này. Chia sẻ với ĐTCK, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT TTF cho biết, trong đợt phát hành này, Công ty sẽ phát hành cấn trừ nợ khoảng 70 tỷ đồng, phát hành cho CTCP Mua bán nợ DATC khoảng 164 tỷ đồng, số còn lại sẽ phát hành cho các cổ đông lớn. Bản thân ông Thành cũng đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành này. Về giá phát hành, TTF dự kiến sẽ bán thỏa thuận trên dưới 12.000 đồng/CP, dựa trên giá thị trường và giá trị số sách của Công ty.

Nói về lý do chọn thời điểm này để phát hành, lãnh đạo TTF cho biết, Công ty đã nhìn thấy triển vọng phát triển trong thời gian tới khi các đơn hàng của đối tác đang ngày một tăng  và Công ty phải mở rộng quy mô đầu tư để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu gỗ. Không chỉ dừng lại ở việc phát hành 31 triệu cổ phiếu trong đợt này, TTF đang hoàn tất thủ tục để phát hành thêm 25 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược ngay trong năm 2014.

Nhìn vào thực trạng kinh doanh của TTF trong nhiều năm qua cho thấy, dù kim ngạch xuất khẩu đạt tương đối, nhưng tỷ lệ nợ vay của DN cũng rất lớn, phần lớn do Công ty đầu tư vào việc trồng rừng. Ông Thành cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của TTF đã có phần khởi sắc, với trên 60 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2014. TTF dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông điều chỉnh tăng lợi nhuận kế hoạch cả năm trong quý III này.

CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) cũng vừa nộp hồ sơ về việc phát hành 7,5 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 10.000 đồng/CP. HĐQT đã lựa chọn CTCP Đầu tư F.I.T (FIT) làm đối tác chiến lược và số lượng cổ phần chào bán tối đa cho F.I.T là toàn bộ số lượng cổ phần chào bán trong đợt phát hành riêng lẻ này. Theo TSC, trong 75 tỷ đồng dự kiến thu về từ đợt phát hành, Công ty sẽ đầu tư vào công ty con TSP 40 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty sẽ dùng để cơ cấu lại các khoản nợ khoảng 20 tỷ đồng và bổ sung vốn lưu động 15 tỷ đồng.

Trong kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 250,5 tỷ đồng, CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) cũng vừa ký kết hợp đồng phát hành 11 triệu cổ phần riêng lẻ cho 2 NĐT tổ chức và 5 NĐT cá nhân. Trong đó, người đăng ký mua nhiều nhất trong đợt phát hành này là ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT PPI. Ông Tuấn đăng ký mua 3 triệu cổ phần, nâng tổng số cổ phần sở hữu lên hơn 5 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20% tại PPI. PPI cũng cho biết, 80% nguồn vốn huy động trong đợt này sẽ được đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, 10 - 15% đầu tư phát triển dự án bất động sản, 5-10% dùng để đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chỉ tính từ đầu tháng 7 đến nay, nghĩa là trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được trên 20 hồ sơ của DN xin phát hành tăng vốn, với nhiều mục đích khác nhau. Đơn cử như CTCP Tập đoàn Dầu khí Anpha (ASP) dự kiến sẽ phát hành 14,67 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược (trong đó, bán cho CTCP Saisan 13,5 triệu cổ phiếu và cổ đông Đinh Ngọc Hải 1,17 triệu cổ phiếu) với giá bán bằng mệnh giá, 10.000 đồng/CP. ASP dự kiến sẽ thực hiện đợt phát hành trong tháng 7/2014. Hay CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (HuuNghiFood) dự kiến chào bán hơn 9 triệu cổ phần ra công chúng, để tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng…

Bên cạnh các DN thực hiện phát hành cho đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ thì số DN phát hành cổ phiếu để trả cổ tức trong thời gian qua cũng khá nhiều, khi xu hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu đang ngày một gia tăng.

Nhận xét về việc phát hành cổ phiếu tăng vốn của các DN, ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc mối giới CTCK MHBS cho rằng, DN phát hành cổ phiếu có nhiều mục đích. Tuy nhiên, NĐT cần lưu ý những trường hợp DN phát hành chủ yếu là huy động tiền cổ đông để trả nợ, hoặc dùng chính cổ phiếu để cấn trừ nợ. Bởi với tình hình kinh doanh khó khăn của DN, việc phát hành tăng vốn mà không đi kèm chiến lược sử dụng vốn hiệu quả, sẽ khiến giá trị cổ phiếu bị pha loãng, thu nhập trên mỗi cổ phần trong năm tới, thậm chí vài năm tới sẽ bị giảm.                       

Tin bài liên quan