Có ý kiến lý giải hiện tượng chuyển sàn là do DN muốn “làm mới” mình

Có ý kiến lý giải hiện tượng chuyển sàn là do DN muốn “làm mới” mình

Doanh nghiệp chạy đua chuyển sàn niêm yết

(ĐTCK) Không ít DN đã và đang lên kế hoạch chuyển sàn giao dịch. Có nhiều lý do dẫn tới kế hoạch này.

Ngày 28/3 tới, CTCK IB (VIX) sẽ tổ chức ĐCHĐ và một trong những nội dung trình xin ý kiến đại hội là chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE. Trước đó, ĐHCĐ CTCP FIT (FIT) đã thông qua việc chuyển sang niêm yết trên HOSE, sau 2 năm niêm yết trên HNX. Hai DN khác đã nộp hồ sơ xin chuyển sang sàn HOSE là CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT - sàn HNX) và CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 - sàn UPCoM).

Trao đổi với ĐTCK, đại diện của một DN đang làm thủ tục chuyển sàn cho biết, sau một thời gian niêm yết trên HNX, DN tiến hành chuyển sàn là do ý kiến chung của các cổ đông lớn. Hơn nữa, việc chuyển cổ phiếu vào niêm yết tại HOSE cũng là cách quảng bá rộng rãi hơn thương hiệu của DN tại khu vực phía Nam.

“Việc chuyển sàn niêm yết là để thực hiện cam kết của công ty với các NĐT, nhất là NĐT chiến lược”, vị đại diện DN trên nói.

Có ý kiến cho rằng, các cổ đông lớn muốn DN chuyển sang niêm yết trên HOSE xuất phát từ thực tế giá cổ phiếu thường tăng khi được giao dịch trên sàn này. Cụ thể, một số DN trước đây xin hủy niêm yết từ HNX và chuyển sang HOSE đã ghi nhận cổ phiếu có mức tăng giá “khủng” ngay trong phiên giao dịch đầu tiên như PAN, SVI…

Theo quy định, HOSE áp dụng cách tính giá tham chiếu đối với cổ phiếu chuyển sàn giống với cổ phiếu niêm yết mới. Đó là, DN đưa ra giá tham chiếu dự kiến cho ngày giao dịch đầu tiên tại HOSE cùng phương pháp tính giá. Điều này khá khác biệt với cách xác định giá tham chiếu của HNX dành cho DN chuyển sàn. Theo quy chế cho DN khi chuyển sàn niêm yết từ HOSE sang HNX, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu được tính bằng cách lấy bình quân giá đóng cửa của 5 ngày giao dịch liền trước ngày giao dịch cuối cùng tại HOSE.

Như vậy, với quy định biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE là +/-20%, nếu chuyển niêm yết sang sàn này, giá cổ phiếu có thể tăng tối đa 20%.

Về vấn đề này, đại diện HOSE cho rằng, việc chuyển sàn là quyền của DN và không phải cứ chuyển sàn là kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng. Khi chuyển sang niêm yết trên HOSE, dựa vào bản cáo bạch, cổ phiếu sẽ được định lại giá tham chiếu và thị giá cổ phiếu phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, trên thực tế, không hẳn là DN có quy mô vốn lớn thì chọn niêm yết tại HOSE và ngược lại, bởi hiện tại, HNX vẫn có những DN đang niêm yết có quy mô vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như PVS, ACB…

Ở một khía cạnh khác, không ít nhà đầu tư có quan niệm, sàn HOSE có các tiêu chí niêm yết cao và khắt khe nên việc niêm yết cổ phiếu trên sàn này sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt là tổ chức nước ngoài.

Cũng có ý kiến lý giải hiện tượng chuyển sàn niêm yết là do DN muốn “làm mới” mình. Trường hợp TCT có thể là một ví dụ. Trước đây, TCT đã từng niêm yết tại HOSE, sau đó vào tháng 9/2009, Công ty xin hủy niêm yết để chuyển sang sàn HNX. Sau hơn 5 năm niêm yết tại HNX, TCT lại muốn quay về sàn HOSE. Hiện tại, TCT có vốn điều lệ 127,88 tỷ đồng, giá cổ phiếu trong 6 tháng qua luôn duy trì trên ngưỡng 70.000 đồng/CP.

Một số DN trên sàn UPCoM cũng có xu hướng muốn chuyển cổ phiếu sang niêm yết tại HOSE. Vừa qua, NT2 đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE. NT2 có vốn điều lệ 2.560 tỷ đồng, thuộc Top DN có quy mô vốn lớn nhất trên sàn UPCoM.

Theo quy định mới, các DNNN sau khi cổ phần hóa sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trước, dù đủ điều kiện niêm yết trên HOSE và HNX. Sau 6 tháng, nếu muốn lên niêm yết thì DN tiến hành thủ tục chuyển sàn.

Nhìn chung, việc chọn sàn giao dịch sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của DN, trong đó có kỳ vọng thu hút được nhiều NĐT. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là hiệu quả kinh doanh và tính minh bạch của DN, nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì cổ phiếu của DN khó có thể được nhà đầu tư lựa chọn.