Ảnh: Shutterstok.

Ảnh: Shutterstok.

Doanh nghiệp châu Âu tăng niềm tin tại thị trường Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), niềm tin kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đang có xu hướng tăng trở lại.

Cụ thể, chỉ số niềm tin trong quý III/2023 đã tăng lên 45,1, từ mức 43,5 của quý trước. Mặc dù con số vẫn ở mức dưới 50 điểm trong 4 quý liên tiếp, mức tăng nhỏ này đã cho thấy một dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế.

Theo EuroCham, trong 2 quý vừa qua, mức độ bi quan về tình hình hiện tại đã giảm 3%, trong khi đó quan điểm tích cực và trung lập tăng lần lượt là 6% và 4%. Khảo sát của EuroCham trong quý III/2023 cho thấy sự thay đổi về dự báo trong quý tới. So với kết quả thu thập được từ quý II/2023, số doanh nghiệp kỳ vọng vào sự ổn định và sự tăng trưởng kinh tế trong quý tới đã tăng lên 11%. Đồng thời, những doanh nghiệp dự báo xu hướng tiêu cực đã giảm đi 5%.

EuroCham cho hay, kỳ vọng về doanh thu hoặc đơn đặt hàng của các doanh nghiệp ở mức ổn định, không có sự thay đổi so với quý trước. Trong khi đó, 22% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đội ngũ trong quý IV và 16% dự đoán sẽ tăng đầu tư.

EuroCham đánh giá, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý hơn nữa, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó con số ấn tượng là 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Để củng cố hơn niềm tin này, hơn một nửa số người được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc.

Trong báo cáo lần này, EuroCham cũng chỉ ra những trở ngại. Có tới 59% cho rằng những khó khăn về hành chính là thách thức chính khi hoạt động tại Việt Nam. Những trở ngại khác như sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, rào cản trong việc xin giấy phép và các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài cũng là những điểm nổi bật. Để cải thiện thu hút FDI của quốc gia, 58% số người được khảo sát cho rằng, việc tinh giản bộ máy cồng kềnh là yếu tố quan trọng nhất, 48% ủng hộ việc tăng cường môi trường pháp lý, 1/3 kêu gọi nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và 22% nhấn mạnh việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực và giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết, rất rõ ràng, nhóm doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào Việt Nam. Gần một phần ba thành viên của EuroCham xếp hạng Việt Nam là một trong 3 địa điểm đầu tư hàng đầu gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về niềm tin của nhà vào mối quan hệ hợp tác này.

Tuy nhiên, ông Gabor Fluit cũng lưu ý rằng, những thách thức vẫn còn, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP và FDI trong quý III đầy hứa hẹn nhưng các vấn đề vẫn tồn tại - đặc biệt đối với xuất khẩu và bất động sản. Theo ông Gabor Fluit, để đạt được tiến bộ, giải quyết các gánh nặng hành chính, quy định không rõ ràng và các rào cản về cấp phép là rất quan trọng.

Tin bài liên quan