Doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam

Doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), Chỉ số Niềm tin Kinh doanh tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua.

Kết quả đến từ những cải cách kinh tế

Trong suốt hai năm qua, BCI chủ yếu dao động quanh mức trung lập là 50, thậm chí có lúc còn giảm xuống dưới ngưỡng này. Tuy nhiên, báo cáo quý IV/2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi chỉ số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.

Cụ thể, BCI trong quý IV/2024 đạt 61,8, tăng vọt so với mức 46,3% của cùng kỳ năm trước đó, điều này phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Tinh thần lạc quan của EuroCham đã đẩy BCI quý IV/2024 lên mức 61,8

Tinh thần lạc quan của EuroCham đã đẩy BCI quý IV/2024 lên mức 61,8

Theo kết quả khảo sát, 42% người tham gia cho biết họ cảm thấy tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại, trong khi 47% kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục lạc quan trong quý tiếp theo. Đáng chú ý, 56% dự báo sự cải thiện trong triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2025.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Sự gia tăng rõ rệt về niềm tin này phản ánh sự công nhận rộng rãi về quá trình chuyển đổi chính trị và kinh tế của đất nước trong suốt những năm qua. GDP của đất nước vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực Đông Nam Á.

Sự gia tăng niềm tin kinh doanh có thể được lý giải nhờ vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò trung tâm của đất nước trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nhận định “chuyển đổi kép” – quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh – đóng vai trò quan trọng cho những đánh giá tích cực.

Các doanh nghiệp nắm bắt những xu hướng này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với một số doanh nghiệp thậm chí báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lên tới 40% so với năm trước. Xu hướng bền vững, được thúc đẩy bởi cả chính sách của Chính phủ Việt Nam và các quy chuẩn xanh của quốc tế, đang trở thành yếu tố quan trọng trong việc hình thành chiến lược kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam: Ngôi sao sáng trong các điểm đến đầu tư

Có thể nói, điểm nổi bật nhất là 75% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Dữ liệu này nhấn mạnh sự công nhận ngày càng gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam như một trung tâm đầu tư trong khu vực Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang mở rộng, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp châu Âu muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này.

“Niềm tin ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn chính là minh chứng cho cho nền tảng vững chắc của đất nước trong cả thương mại và chính sách kinh tế. Mặc dù đối mặt với những thách thức toàn cầu, môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam vẫn đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ, sản xuất, du lịch và năng lượng tái tạo”, Chủ tịch EuroCham nhận xét.

Theo ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab, thống kê từ khảo sát cho thấy các doanh nghiệp châu Âu ngày càng đánh giá tích cực về Việt Nam như một điểm hút các dự án đầu tư nước ngoài. Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Khoảng 1 trong 4 doanh nghiệp cho biết họ đang cân nhắc hợp tác với các nhà máy sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, trong khi hơn một phần năm số doanh nghiệp tham gia khảo sát mong muốn mở rộng sự hiện diện của mình tại quốc gia này.

Thêm vào đó, 30% các doanh nghiệp khác dự định tăng cường các hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu và/hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng những lợi thế thương mại mà quốc gia này mang lại. Động thái này phù hợp với xu hướng chuyển dịch thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các gián đoạn gần đây đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các thách thức vận hành vẫn tồn tại

Mặc dù tình hình chung đang có xu hướng tích cực, các thách thức trong vận hành vẫn là vấn đề đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Như trong các báo cáo BCI trước, ba trở ngại lớn nhất trong vận hành được xác định là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng, và khó khăn trong việc xin giấy phép. Các phức tạp liên quan đến yêu cầu visa cho chuyên gia nước ngoài đứng đầu trong các khó khăn hành chính, với 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất. Các vấn đề liên quan đến thuế, bao gồm hoàn thuế VAT, cũng được 30% doanh nghiệp ghi nhận, cùng với những thách thức khác liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu và đăng ký đầu tư.

Chủ tịch Jaspaert nhận xét: “Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Những khó khăn hành chính kéo dài này đang thử thách hoạt động kinh doanh, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan về quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi hơn. Các nỗ lực như đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang cho thấy triển vọng tích cực. Tại EuroCham, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp những giải pháp thực tiễn và tư vấn nhằm giải quyết các nút thắt hành chính hiện tại. Sách Trắng hàng năm của chúng tôi sẽ tập trung vào những vấn đề này và đề xuất các giải pháp khắc phục”.

Tháng 11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết số 18 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng rằng các cải cách này sẽ mang lại sự cải thiện đáng kể trong quy trình hành chính, với 43% cho rằng quy trình sẽ được đơn giản hóa trong tầm nhìn dài hạn, đặc biệt khi các nền tảng số được áp dụng và yêu cầu về giấy tờ được giảm bớt. Tuy nhiên, 36% cho rằng sẽ có thể có sự chậm trễ trong việc xử lý hồ sơ trong giai đoạn tái cấu trúc. Dù vậy, cam kết của Chính phủ đối với chuyển đổi số và áp dụng hệ thống Chính phủ điện tử được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là bước tiến tích cực.

“Xây dựng khung pháp lý của Việt Nam giống như xây dựng một ngôi nhà: bất kỳ ngôi nhà nào muốn vững chãi đều phải có nền móng chắc chắn. Các quy trình pháp lý minh bạch, rõ ràng và hiệu quả sẽ giúp đất nước phát triển mạnh mẽ, cải thiện thương mại và khuyến khích các nhà đầu tư coi Việt Nam là ngôi nhà mới của họ. Tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sắp bước vào thời kỳ hoàng kim. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ là một đề án khổng lồ và phức tạp, nhưng các thành quả như – nền kinh tế phát triển, FDI tăng trưởng và thời kỳ vàng son của đất nước – sẽ khiến mọi nỗ lực trở nên vô cùng xứng đáng”, Chủ tịch Jaspaert nói.

Phục hồi kiên cường

Một lĩnh vực khác mà các doanh nghiệp kỳ vọng có sự cải thiện đáng kể là cơ sở hạ tầng. Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đang mang đến nhiều tiềm năng, với 58% doanh nghiệp dự đoán sẽ có nhiều lợi ích đối với khả năng di chuyển của lực lượng lao động và vận tải logistics.

Gần 40% doanh nghiệp cho rằng các nâng cấp cơ sở hạ tầng này sẽ không chỉ giúp giảm chi phí phân phối trong khu vực mà còn tăng cường kết nối cho các dòng chảy xuất nhập khẩu. Hơn nữa, 12% các lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng sẽ có những cải tiến mang tính cách mạng trong việc di chuyển của nhân viên, giúp các công ty tối ưu hóa hoạt động và thu hút nhân tài từ các khu vực khác nhau.

Bên cạnh đó, sự phát triển của cơ sở hạ tầng hàng không và hàng hải cũng đóng vai trò không nhỏ. Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ nâng cao sức cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam, trong khi các cảng nước sâu của Hải Phòng đang góp phần phát triển nền kinh tế hàng hải của quốc gia. Tổng thể, tất cả những phát triển trong các lĩnh vực đường sắt, hàng không và hàng hải sẽ củng cố vị thế của Việt Nam như một đối thủ mạnh trong vận tải khu vực và toàn cầu, đồng thời thúc đẩy một môi trường kinh doanh kết nối hiệu quả hơn.

Một yếu tố nổi bật trong báo cáo quý này là tác động của siêu bão Yagi, một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua. Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại 26 tỉnh thành phía Bắc, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân và tạo áp lực lớn lên GDP quốc gia. Trước sự tàn phá khắc nghiệt này, các doanh nghiệp đã thể hiện khả năng chống chịu và phục hồi đầy ấn tượng.

Chỉ ba tháng sau cơn bão, 36% doanh nghiệp được khảo sát đã hoàn toàn phục hồi, trong khi 8% kỳ vọng sẽ phục hồi trong quý tới. Đặc biệt, 70% doanh nghiệp báo cáo rằng hoạt động tại Việt Nam của họ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chỉ 14% doanh nghiệp cho biết chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và 12% lo ngại về an toàn và phúc lợi của nhân viên.

Bất chấp những thách thức này, phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau khẳng định rằng bão Yagi không gây ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của họ. Điều này cho thấy tính hiệu quả của các chiến lược quản lý rủi ro cùng các biện pháp thích ứng mà họ đã áp dụng.

Chủ tịch EuroCham nhận định: “Khả năng phục hồi sau diễn biến thời tiết khắc nghiệt như vậy là minh chứng rõ ràng cho sự bền bỉ và khả năng thích nghi vượt trội của cả người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Dù còn nhiều thách thức, sự phục hồi nhanh chóng của đất nước cho thấy sức chống chịu đáng kể của cơ sở hạ tầng cũng như quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Những nỗ lực này xứng đáng được ghi nhận, thậm chí vượt xa các mô hình phục hồi thường thấy ở khu vực châu Âu”.

Sau siêu bão Yagi, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đã ưu tiên hàng đầu vào việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu của Việt Nam. Các nỗ lực hiện tập trung vào việc cải thiện dự báo thời tiết, thiết lập các quy trình ứng phó thảm họa hiệu quả và xem xét triển khai các sản phẩm bảo hiểm tham số. Song song đó, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh tuân thủ ESG thông qua việc đặt ra các mục tiêu bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và phát triển cơ sở hạ tầng kiên cố.

Tương lai của Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

Khi bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu tiếp tục biến động, vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng ở khu vực Đông Nam Á ngày càng được củng cố. Bất chấp những thách thức toàn cầu như áp lực lạm phát và căng thẳng chính trị đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bền bỉ.

Mặc dù xu hướng người lao động “bỏ phố về quê” chưa có ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch nhân sự, các doanh nghiệp vẫn thận trọng trong việc mở rộng hoạt động ra các khu vực ngoài đô thị, chủ yếu do lo ngại về hạn chế cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối. Vì vậy, tương lai tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi một cách bền vững, không chỉ tại các đô thị lớn mà còn tại các địa phương trên khắp cả nước.

Sự phục hồi kinh tế ấn tượng của Việt Nam, được minh chứng qua Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) của EuroCham, báo hiệu triển vọng đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại đây. Dù phải đối mặt với các thách thức trong vận hành và những bất ổn toàn cầu, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, với nhiều kế hoạch mở rộng và đầu tư vào các chiến lược dài hạn.

“Trong quá trình chuyển mình của Việt Nam, cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu đang hiện hữu rõ ràng. Với chính sách phù hợp, cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, và môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong những năm tới”, Chủ tịch Jaspaert kết luận.

Khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) của EuroCham, được thực hiện bởi Decision Lab, đóng vai trò như một công cụ quan trọng để đo lường tâm lý của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Chỉ số này mang đến những góc nhìn giá trị về các thách thức và cơ hội mà các doanh nghiệp nước ngoài đang gặp phải trong thị trường năng động của Việt Nam.

Tin bài liên quan