Đây là các thách thức lớn nhất với doanh nghiệp châu Âu, cơ quan này cho biết trong Khảo sát Niềm tin Kinh doanh công bố hôm nay. Các công ty cho rằng Trung Quốc đang tạo ra sân chơi không công bằng, đặc biệt khi nước này thắt chặt kiểm soát Internet, an ninh quốc gia và thúc đẩy công nghệ trong nước.
55% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng "kỷ nguyên vàng" với các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc đã chấm dứt. Tỷ lệ này năm 2014 chỉ là 46%.
Doanh nghiệp "tại hầu hết các ngành" dự báo việc suy giảm sẽ có tác động đáng kể lên họ. "Vì thế, họ đều cho rằng điều tồi tệ nhất còn chưa xảy ra", báo cáo cho biết.
Khảo sát được thực hiện với hơn 1.300 doanh nghiệp châu Âu. Khoảng 31% công ty bi quan về khả năng sinh lời, và 15% lo lắng về tăng trưởng - gần gấp đôi năm ngoái. Họ cũng tỏ ra thất vọng với tốc độ cải tổ chậm chạp tại quốc gia này.
Dược phẩm được cho là ngành ít chịu ảnh hưởng nhất, do dân số đang già đi và tầng lớp trung lưu tại đây tăng lên. Việc nhóm người này ngày càng nhận thức cao về an toàn thực phẩm cũng được cho là sẽ làm lợi cho các công ty ngành thực phẩm - đồ uống.
Đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc chỉ còn 9,3 tỷ euro năm 2015, giảm 9% so với năm trước đó. Việc này "cho thấy Trung Quốc đang mất quyền ưu tiên đầu tư đối với rất nhiều công ty châu Âu".
Năm nay, biến động của NDT đã thay thế tham nhũng thành lo ngại lớn thứ 5 của các công ty. Đợt hạ giá mạnh tay đồng NDT của Trung Quốc tháng 8 năm ngoái đã khiến thị trường thế giới lao đao. Tuyên bố thiếu rõ ràng, cùng với việc Mỹ tăng lãi cuối năm ngoái đã khiến NDT ngày càng yếu đi và dòng vốn ồ ạt rời Trung Quốc.
Giờ đây, NDT lại đối mặt thách thức mới khi USD ngày càng mạnh lên trước khả năng Mỹ nâng lãi tháng này. Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh ngày 23/6, về khả năng rời Liên minh châu Âu (EU), cũng khiến USD tăng giá.