Lớn, nhỏ đều lãi đậm
Theo số liệu của Bộ Công thương, giá lợn hơi trên thị trường trong nước hiện dao động trong khoảng 65.000 - 74.000 đồng/kg. Dù giảm nhẹ so với 5 tháng đầu năm (có thời điểm lên tới 100.000 đồng/kg), nhưng so với mặt bằng giá của vài năm trước, giá lợn hơi vẫn đang ở mức cao.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ đầu năm 2019 và lan ra hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tàn phá ngành chăn nuôi lợn trong nước, làm sụt giảm mạnh nguồn cung, đẩy giá thịt lợn tăng cao. Nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ sức cầu. Có thể thấy rõ điều này qua con số 111.500 tấn thịt lợn tươi, đông lạnh được nhập khẩu từ các nước Nga, Brazil, Canada, Mỹ, Ba Lan… về Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 407,3% về lượng so với cùng kỳ năm 2019.
Bối cảnh thị trường đang rất thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi khi chỉ tính đến hết quý III/2020, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco, DBC), doanh nghiệp niêm yết có bề dày hoạt động trong ngành chăn nuôi, đã ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2020 đạt 7.155 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng 1.137 tỷ đồng, tăng hơn 2.300% so với cùng kỳ. Như vậy, sau ba quý đầu năm, Công ty đã vượt 150% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Ba quý đầu năm, Dabaco lãi ròng 1.137 tỷ đồng, tăng hơn 2.300% so với cùng kỳ 2019, vượt 150% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm
Ở quy mô nhỏ hơn, Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai (Dolico) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm đạt trên 264 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ 2019; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 110 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần cùng kỳ.
Với kết quả này, Dolico đã hoàn thành vượt mức 20% kế hoạch doanh thu năm 2020, lợi nhuận vượt tới gần 220% kế hoạch năm.
Chung xu hướng tích cực là Công ty Chăn nuôi Mitraco tại Hà Tĩnh. Doanh nghiệp này đã ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng 307 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 85,5 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần vốn điều lệ.
Đáng nói là cùng kỳ năm trước, Công ty lỗ tới 29,9 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), tên tuổi mới trong ngành nông nghiệp, đã ghi nhận 2.791 tỷ đồng doanh thu, cao hơn 53% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 455,5 tỷ đồng, tăng tới hơn 4,4 lần so với cùng kỳ.
Mảng nông nghiệp của Hòa Phát bao gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò và gia cầm, đã đóng góp tới 12% doanh thu và 15% lợi nhuận toàn Tập đoàn trong quý vừa qua.
Giá sẽ hạ nhiệt từ giữa năm 2021
Dự báo được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đưa ra, giá lợn trong nước chưa thể sớm quay trở về mặt bằng trước kia do nguồn cung vẫn thiếu hụt. Dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại và chi phí chăn nuôi cao khiến nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa sẵn sàng cho việc tái đàn.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, trong tháng 10/2020, Việt Nam thiếu khoảng 1 triệu con lợn. Khoảng cách này dần được thu hẹp trong năm 2021, nhưng đến tháng 4/2021, ước tính cả nước vẫn thiếu hụt 720.000 con lợn và đến tháng 10/2021 thiếu 200.000 con.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, tác động của dịch tả lợn châu Phi sẽ kéo dài ít nhất tới tháng 3/2021, do đó, sang năm tới, giá thịt lợn có thể có những khoảng biến động nhưng vẫn giữ ở mức cao và chỉ có thể hạ nhiệt từ giữa năm.
Đánh giá về triển vọng của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, các công ty như Dabaco, Mitraco kỳ vọng sẽ duy trì được xu hướng tăng trưởng ổn định trong tương lai gần do giá thịt lợn dự báo khó giảm trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, với việc các hộ nông dân còn ngần ngại tái đàn do dịch tả châu Phi; thịt nhập khẩu vẫn ở mức thấp do hoạt động sản xuất, vận chuyển chững lại vì dịch Covid-19 và người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang loại thực phẩm khác thay thế, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp ngành chăn nuôi trong những năm tới là rất sáng sủa.
Xu hướng nổi bật trong ngành chăn nuôi hiện nay là các công ty chăn nuôi lớn đang đầu tư theo hướng khép kín chuỗi giá trị sản xuất, từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi cho tới nuôi thương phẩm. Việc đầu tư bài bản này giúp các doanh nghiệp lớn tránh phụ thuộc vào con giống, thức ăn từ bên ngoài, tối ưu hóa lợi nhuận; đồng thời, khai thác được thị trường rất giàu tiềm năng này.
Dù là “lính mới” trên mảng chăn nuôi, song Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư bài bản theo mô hình chuỗi sản xuất khép kín. Theo mô hình này, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ, cùng với hệ thống trang trại lớn cung cấp lợn giống, lợn thịt chất lượng cao, chăn nuôi bò và gia cầm, cung cấp trứng gà sạch với sản lượng lớn ra thị trường nội địa, mảng nông nghiệp của Hòa Phát cũng đầu tư vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt công suất tối đa 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, mở rộng dư địa tăng trưởng của mảng này để đón bắt cơ hội.
Tương tự, Tập đoàn Dabaco, ngoài việc sản xuất và xây dựng hệ thống cung cấp thịt lợn lớn nhất Việt Nam với hệ thống phân phối phủ khắp cả nước, cũng đã phát triển mạnh chuỗi nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco coi mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi là dư địa để đẩy mạnh tăng trưởng cho Tập đoàn trong những năm tới.
Tập đoàn Masan đã hoàn thiện chuỗi khép chăn nuôi lợn từ khâu thức ăn đầu vào với Công ty Anco cho tới khâu chăn nuôi với Công ty MeatDeli.
Đó cũng hướng đi của các nhà đầu tư ngoại như CP, Marvin trên thị trường Việt Nam.
Theo OECD, ngành chăn nuôi cũng như thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được đánh giá đầy tiềm năng trong thời gian tới. Cơ sở cho nhận định này là Việt Nam nằm trong số những quốc gia tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn thịt Việt Nam là động lực chính của ngành thức ăn chăn nuôi trong nước. Mặc dù giá thịt lợn có nhiều áp lực giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao so với năm trước. Với mức giá có lợi này, nông dân có động lực để khởi động lại doanh nghiệp và các trang trại thương mại để xây dựng lại đàn lợn của họ bằng các biện pháp an toàn sinh học tốt trong điều kiện có khả năng dịch tả tái phát.
Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng kép hàng năm 5,06% để đạt quy mô thị trường 12.270 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 9.124 tỷ USD vào năm 2019. Dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi trong những năm tới vẫn còn rất lớn.