Khó khăn hai đầu
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho biết, tại ngày 15/7/2021, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc dao động từ 56.000 - 57.000 đồng/kg, còn tại các tỉnh phía Nam là từ 52.000 - 62.000 đồng/kg, chỉ còn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng kỳ năm ngoái, giá lợn hơi neo ở mức 100.000 đồng/kg và giá thịt lợn thương phẩm nằm trong nhóm cao nhất, nhì thế giới, giúp các doanh nghiệp chăn nuôi lợn ghi nhận con số tăng trưởng vượt trội.
Đà sụt giảm mạnh của giá lợn hơi trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là do nguồn cung trong nước đã phục hồi tích cực sau đợt dịch tả châu Phi.
Giá lợn hơi hiện chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Một nguyên nhân quan trọng khác là, Trung Quốc, từng là thị trường nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới vào năm ngoái, đang khủng hoảng thừa thịt lợn. Điều này đẩy giá lợn trên thị trường thế giới đi xuống.
Trong khi giá bán ra giảm thì các doanh nghiệp ngành này phải đối mặt với tình trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh do sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo thống kê, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 5/2021 đạt 420 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2,1 tỷ USD tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó khăn hai đầu đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành. Công ty cổ phần Dabaco (mã DBC) cho biết, trong quý II/2021, Công ty đạt doanh thu 3.812 tỷ đồng doanh thu, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sụt giảm tới 47%, đạt 214 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 8.431 tỷ đồng doanh thu và 579 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả này, Dabaco đã thực hiện được 70% kế hoạch lợi nhuận năm nay, tuy nhiên, so với con số 750 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm ngoái thì sụt giảm tới 22,8%.
Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco (mã MLS) cũng đặt kế hoạch đi lùi so với năm 2020, với doanh thu 350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% về doanh thu và 52,7% về lợi nhuận. Mitraco là doanh nghiệp chăn nuôi tại Hà Tĩnh, sản lượng bán ra trong năm nay dự kiến vào khoảng 60.000 con lợn thương phẩm.
Ngoài việc giá lợn sụt giảm mạnh, lãnh đạo Công ty cho biết, thời gian gần đây, chi phí thức ăn tăng 10 - 15% so với năm 2019.
Nỗ lực hóa giải thách thức
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Masan Meatlife (MML), báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, bất chấp sự phục hồi của giá hàng hóa làm giảm biên lợi nhuận thức ăn chăn nuôi, MML đặt mục tiêu giữ biên EBITDA ổn định trong năm 2021 so với năm 2020 nhờ những cải thiện trong mảng kinh doanh thịt, vốn sẽ được thúc đẩy bởi lợi thế kinh tế về quy mô và hiệu suất sử dụng lợn thịt cao hơn.
MML có kế hoạch chế biến khoảng 450.000 con lợn thịt trong năm 2021, tăng mạnh so với số lượng 280.000 lợn thịt vào năm 2020. Trong số 450.000 lợn thịt này, khoảng 240.000 con sẽ đến từ trang trại của chính MML, 150.000 con từ những hộ nông dân liên kết dài hạn và phần còn lại từ các trang trại của bên thứ ba khác.
Hiện tại, MML không có bất kỳ kế hoạch nào để xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn mới. Do đó, nguồn cung tăng trong tương lai sẽ chỉ đến từ các nguồn của bên thứ ba.
Trong tương lai, việc phân phối các sản phẩm thịt mát của MML sẽ chủ yếu đi cùng với mạng lưới cửa hàng của Vincommerce. Hiện tại, Meat Deli - thương hiệu thịt lợn của MML đã có mặt tại gần 90% cửa hàng của Vincommerce. Các cửa hàng còn lại sẽ được lấp đầy vào cuối tháng 6/2021.
Theo lãnh đạo MML, 3F Việt - công ty con chuyên hoạt động trong mảng chăn nuôi gà mà MML mua lại vào cuối năm 2020 - đã ghi nhận biên lợi nhuận gộp - 10% trong quý I/2021 trong bối cảnh giá gia cầm thấp và chạm mức thấp nhất trong 10 năm.
Ở mặt tích cực, chi phí hoạt động sản xuất của 3F Việt được giữ ổn định do đó, lợi nhuận của Công ty dự kiến sẽ tăng lên đáng kể khi giá gia cầm bình ổn.
Trong khi đó, Dabaco đang có giải pháp khác cho bài toán bù đắp sự sụt giảm của biên lợi nhuận mảng chăn nuôi lợn.
Trong nửa cuối năm 2021, Dabaco đôn đốc tiến độ các dự án đã được phê duyệt gồm Thanh Hóa, khu chăn nuôi công nghệ cao Phú Thọ giai đoạn 2, khu nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư của dự án khu chăn nuôi công nghệ cao tại Quảng Ninh, Hòa Bình, Bình Phước giai đoạn 2 và nhà máy ép dầu giai đoạn 2…
Dabaco cho biết, Công ty sẽ tích cực nghiên cứu, cải tiến các chỉ tiêu kinh kế kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi, tăng cường phát triển hệ thống thị trường con giống, thức ăn chăn nuôi trên cơ sở khai thác hiệu quả chuỗi sản xuất khép kín 3F.
Doanh nghiệp sẽ tăng cường sản xuất, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như trứng, dầu thực vật, thịt lợn, gà…
Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), doanh nghiệp chuyên chăn nuôi lợn, gà cũng có sự chuyển hướng. Năm nay, Vilico đặt kế hoạch đạt lợi nhuận 113 tỷ đồng. Công ty xác định mục tiêu trở thành đơn vị lớn trong ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm, mà trước mắt tập trung vào chăn nuôi bò thịt nhờ lợi thế quỹ đất và nguồn lực sẵn có.
Được biết, Dự án chăn nuôi và chế biến thịt bò của Vilico có tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, công suất khai thác 20.000 con/năm.
Trong các giải pháp doanh nghiệp hướng tới để giữ được tăng trưởng cuối năm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi và đa dạng hoá các kênh bán hàng.
Không mở sang lĩnh vực mới nhưng Mitraco đang có kế hoạch tăng vốn và mở rộng quy mô chăn nuôi để giải bài toán hạ giá thành sản phẩm.
Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thị trường chứa đựng nhiều yếu tố bất định, việc phân tán bớt rủi ro của mảng chăn nuôi lợn đang là hướng đi của các doanh nghiệp trong ngành này.