Nguồn cung cao su trên thế giới vượt nhu cầu khiến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu đạt 1,45 tỷ USD, tăng 1,3% về khối lượng, nhưng giảm 25,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, giá cao su là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến triển vọng của ngành, cũng như kết quả kinh doanh của các DN.
PHR giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm
Trong 5 DN nêu trên, CTCP Cao su Phước Hoà (PHR) có quy mô vốn điều lệ lớn nhất và đạt doanh thu thuần lớn nhất. 9 tháng đầu năm 2014, PHR tiêu thụ hơn 21.000 tấn cao su, giá bán bình quân 42,4 triệu đồng/tấn, giảm 2,6 triệu đồng/tấn so với giá kế hoạch. Doanh thu thuần đạt 912 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (LNTT) 180,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 143,5 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân chính là do giá bán cao su sụt giảm, tính riêng quý III/2014, giá bán bình quân của DPR giảm 23% so với quý III/2013, ở mức 38,4 triệu đồng/tấn.
Theo Nghị quyết HĐQT PHR, dự kiến quý IV/2014, Công ty sẽ khai thác hơn 6.500 tấn cao su, tiêu thụ 9.000 tấn mủ quy khô, mục tiêu doanh thu 279 tỷ đồng, LNTT 27 tỷ đồng. Với dự đoán giá bán bình quân là 38,7 triệu đồng/tấn, HĐQT PHR vừa có nghị quyết lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch năm 2014: doanh thu 1.356 tỷ đồng, LNTT 207 tỷ đồng, thay cho kế hoạch ban đầu là 1.516 tỷ đồng doanh thu và 267 tỷ đồng LNTT.
HRC: lợi nhuận 9 tháng bằng 52% kế hoạch năm
Tại CTCP Cao su Hoà Bình (HRC), doanh thu thuần quý III/2014 đạt hơn 33 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong quý I/2014, HRC lãi ròng gần 20 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý vườn cây. Trong quý III/2014, lợi nhuận khác của HRC đạt gần 8 tỷ đồng, cũng chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý cây cao su. Đây là hoạt động được HRC thực hiện liên tục từ năm 2012 đến nay. 9 tháng đầu năm 2014, HRC đạt gần 122 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 36,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 62% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận thực hiện được 52% kế hoạch năm.
DPR: giá bán đang dưới giá thành
Giá bán bình quân giảm sâu từ 50,6 triệu đồng/tấn trong quý III/2013 xuống còn 38,4 triệu đồng/tấn trong quý III/2014, mức giảm hơn 23% khiến CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2014.
Theo Nghị quyết HĐQT DPR ngày 30/10 vừa qua, giá bán cao su đang ở dưới giá thành (khoảng 31 triệu đồng/tấn), dẫn đến giá bán bình quân cả năm có thể chỉ đạt 38 triệu đồng/tấn. Do đó, LNTT cả năm ước đạt 190 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm là 249 tỷ đồng. Vì thế, HĐQT DPR đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu năm 2014 là 190 tỷ đồng lãi trước thuế, nhưng giữ nguyên cổ tức 30%.
9 tháng đầu năm, DPR đạt sản lượng khai thác hơn 10.000 tấn, tiêu thụ hơn 12.000 tấn với mức giá bình quân 41,1 tỷ đồng; LNTT ước đạt 181,5 tỷ đồng.
TRC và TNC: lợi nhuận giảm mạnh
CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) đạt 110 tỷ đồng doanh thu thuần và 30 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý III/2014, giảm 43% so với quý III/2013; luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 343 tỷ đồng, lãi ròng 98 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, HĐQT TRC đã thông qua phương án điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2014: tổng doanh thu 551 tỷ đồng, LNTT 64,8 tỷ đồng, tương đương mức giảm 24% và 53%.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) đạt 48,6 tỷ đồng doanh thu thuần, 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 50% và 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay từ tháng 7/2014, HĐQT TNC đã thông qua việc điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận cả năm từ 27 tỷ đồng xuống 15 tỷ đồng.
Là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu cao su, nhưng các DN sử dụng cao su trong nước vẫn phải nhập khẩu với khối lượng lớn, do Việt Nam hầu như chỉ xuất khẩu cao su thiên nhiên dưới dạng thô, trong khi các DN cần cao su tổng hợp để sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, DN cao su Việt Nam cần đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm xuất khẩu và đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại để chế biến sâu cao su. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn khiến các DN không mấy mặn mà.