Lợi nhuận phập phù theo giá cao su
Thời gian qua, giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm. Tại ngày 1/10, giá cao su tại Toyko (Nhật Bản) kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 1,3 yên/kg về mức 159,3 yên/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2019 trên Sở Giao dịch hàng hóa Singapore (sàn SICOM) giảm 0,5% xuống 127,8 US cent/kg.
Cùng với giá giảm, giao dịch cũng trở nên trầm lắng khi thị trường lớn là Trung Quốc nghỉ giao dịch trong 1 tuần (thị trường tài chính Trung Quốc đóng cửa từ ngày 1-7/10 để nghỉ lễ Quốc khánh và mở cửa lại vào ngày 8/10), hay trước sự tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…
Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9/2019, xuất khẩu cao su đạt 72.110 tấn, giá trị 94,27 triệu USD, giảm 6,5% về lượng và 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, đồng thời giảm 27% về lượng và 28,7% về giá trị so với 15 ngày cuối tháng 8/2019.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9, xuất khẩu cao su đạt 1,03 triệu tấn, giá trị 1,41 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu cao su trung bình 15 ngày đầu tháng 9/2019 ở mức 1.307 USD/tấn, giảm 2,4% so với mức giá xuất khẩu trung bình 15 ngày trước đó, nhưng tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Diễn biến giá cao su không khả quan khiến doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cao su tự nhiên niêm yết trong tình trạng trồi sụt kéo dài.
Ðơn cử, tại Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), về doanh thu, quý III/2018 đạt 351,1 tỷ đồng, sang quý IV/2018 tăng lên 673,8 tỷ đồng, nhưng đến quý I/2019 giảm mạnh về 291,6 tỷ đồng và giảm tiếp về 278,1 tỷ đồng trong quý II/2019.
Về lợi nhuận, PHR đạt 177 tỷ đồng trong quý III/2018, sang quý IV/2018 tăng lên 181,6 tỷ đồng, trước khi giảm mạnh tương ứng về 87,3 tỷ đồng và 66 tỷ đồng trong quý I và II/2019.
Năm 2019, PHR đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 2.192 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.246 tỷ đồng.
Như vậy, PHR mới chỉ thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm. Ðể có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm nay, PHR cần có những bước đột phá trong nửa cuối năm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Tược, Tổng giám đốc PHR cho biết, do giá bán cao su những tháng đầu năm thấp và kế hoạch triển khai các dự án tập trung vào những tháng cuối năm nên doanh thu và lợi nhuận 8 tháng qua của PHR đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch.
Tuy nhiên, theo kế hoạch dự án VSIP III và Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2019, nên Công ty đảm bảo hoàn thành được các chỉ tiêu kinh doanh năm 2019.
Với Công ty cổ phần Cao su Ðồng Phú (DPR), kết quả kinh doanh cũng phập phù trong 4 quý gần nhất.
Cụ thể, quý III/2018 đạt doanh thu 221,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 32,5 tỷ đồng; quý 4/2018 đạt doanh thu 281,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 17,4 tỷ đồng; quý I/2019 đạt doanh thu 175,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56,9 tỷ đồng; quý II/2019 đạt doanh thu 157 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng.
Thông tin cập nhật từ DPR cho thấy, lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, Công ty ghi nhận sản lượng cao su khai thác đạt 5.045,5 tấn/12.300 tấn (hoàn thành 41% kế hoạch năm), sản lượng cao su thu mua đạt 1.501.8 tấn/3.000 tấn (hoàn thành 50% kế hoạch năm) và sản lượng tiêu thu đạt 5.805,6 tấn/15.000 tấn (hoàn thành 37,5% kế hoạch năm).
Theo đó, DPR ghi nhận tổng doanh thu hơn 343 tỷ đồng và tổng lợi nhuận gần 121,0 tỷ đồng sau 8 tháng, qua đó hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu (728,5 tỷ đồng) và 53% kế hoạch lợi nhuận (229,7 tỷ đồng) cả năm.
Kỳ vọng từ mảng kinh doanh mới
Mới đây, PHR đã công bố tiến độ các dự án triển khai để củng cố niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư trong bối cảnh cổ phiếu Công ty ghi nhận nhiều phiên giảm mạnh.
PHR cho biết, đối với dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương đã ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Công tác bồi thường và hỗ trợ thiệt hại được thực hiện trong tháng 9 vừa qua với mức 2,5 tỷ đồng/ha.
Về hoạt động đầu tư, đại diện PHR cho biết, Công ty hợp tác đầu tư với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) và tham gia góp vốn để thực hiện dự án VSIP III với tỷ lệ vốn góp là 20% vốn điều lệ của dự án.
Hiện tại, hai bên đang đàm phán hợp đồng hợp tác để thống nhất ký kết và thực hiện từ tháng 9/2019. PHR sẽ bàn giao đất cho VSIP trong quý III này để đổi lấy khoản đền bù đất là 1,3 tỷ đồng/ha, cộng thêm 20% lợi nhuận sau này từ dự án, tương đương tối thiểu 1,2 tỷ đồng/ha.
Với dự án Khu công nghiệp Tân Lập 1, PHR đang phối hợp cùng đối tác và đơn vị tư vấn thực hiện lập dự án đầu tư, quy hoạch, báo cáo đánh giá tác động môi trường… để trình các cấp có thẩm quyền và Chính phủ phê duyệt.
Nếu quá trình phê duyệt diễn ra thuận lợi như kế hoạch, dự án này sẽ được triển khai từ đầu năm 2020.
Trong quý III này, PHR sẽ chuyển nhượng 350 ha đất cho chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Uyên để nhận 875 tỷ đồng tiền bồi thường đất, đồng thời chuyển nhượng 50 ha đất (trên tổng cộng 691 ha) cho VSIP 3 để nhận 65 tỷ đồng tiền bồi thường và cả 2 khoản này đều được ghi nhận vào báo cáo tài chính năm nay, 641 ha đất còn lại sẽ được chuyển nhượng trong năm 2020 và ghi nhận 833 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, 2019-2020 là giai đoạn chuyển dịch của PHR khi Công ty đẩy mạnh thanh lý cây cao su và đất trồng được chuyển nhượng cho bên thứ ba là các công ty phát triển khu công nghiệp để đổi lấy tiền bồi thường đất. Ðây là nguồn thu và là động lực tăng trưởng chính của PHR trong giai đoạn này.
Kể từ năm 2021, PHR sẽ tập trung hơn vào mảng khu công nghiệp khi định hướng trở thành nhà phát triển khu công nghiệp, chứ không đơn thuần chỉ bán đất. SSI cho biết, dự án Khu công nghiệp Tân Lập và Tân Bình giai đoạn 2 sẽ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ năm 2021.
Trong một báo cáo phân tích mới đây về DPR, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh mủ cao su sẽ chưa có tín hiệu khả quan, đóng góp của vườn cây Kratie cũng chưa nhiều với năng suất trung bình ở mức thấp là 0,97 tấn/ha.
Trong khi đó, hai khu công nghiệp của DPR đã gần được lấp đầy, nên dư địa tăng trưởng về doanh thu cho thuê không còn nhiều .
Trước đó, Hội đồng quản trị DPR đã thông qua việc thành lập Chi nhánh Chế biến gỗ có diện tích dự kiến là 4,5 ha với vốn đầu tư 60 tỷ đồng, đồng thời dự kiến lập dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 496 ha.
Mở rộng dư địa tăng trưởng thông qua những lĩnh vực kinh doanh mới là hướng đi mà DPR đang thực hiện với kỳ vọng có thể “chuyển mình” trong giai đoạn tới.
Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) cho biết, sẽ thanh lý 274,2 ha vườn cao su để thực hiện liên kết kinh doanh, trong đó bán đấu giá công khai 224,9 ha với giá khởi điểm hơn 9,4 tỷ đồng, tương đương giá bình quân gần 42 triệu/ha và 76.168/cây.
Bán phân bổ 49,3 ha cho Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng cao su, giá bán theo kết quả đấu giá thành công. Với mức giá này, HRC dự kiến thu về gần 18 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, 8 tháng đầu năm 2019, HRC bán được 2.648,54 tấn mủ cao su, doanh thu 86,26 tỷ đồng.
BSC nhận định, mặc dù giá cao su thế giới được đánh giá sẽ tăng trở lại, nhưng không tác động nhiều đến giá cao su trong nước. Ðiều này sẽ khiến mảng kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên còn gặp khó khăn.
Do đó, xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang xây dựng khu công nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho các doanh nghiệp có diện tích vườn cây lớn.