Doanh nghiệp cao su, “mùa vụ” đã qua

Doanh nghiệp cao su, “mùa vụ” đã qua

(ĐTCK) Giá cao su thế giới sụt giảm mạnh, kéo giá cao su trong nước giảm theo, đang đặt thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên.

Doanh nghiệp cao su, “mùa vụ” đã qua ảnh 1Giá cao su chưa có dấu hiệu hồi phục

Đại diện CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cho biết, giá cao su trong nước hiện tại giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm và xu hướng giảm vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Giá thành bình quân đang dao động trong khoảng 50 - 51 triệu đồng/tấn, trong khi thời điểm đầu năm là 62 triệu đồng/tấn, điều này gây khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên trong nước. Để hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp đi theo hướng tiêu thụ tới đâu, sản xuất tới đó, nhằm giảm lượng hàng tồn kho.

10 tháng đầu năm 2013, TRC đạt tổng doanh thu 407,63 tỷ đồng và lợi nhuận 191,79 tỷ đồng. Chỉ còn 2 tháng để Công ty hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2013 đã được ĐHCĐ thông qua như sản lượng khai thác đạt 10.300 tấn, tổng doanh thu 901,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 256,94 tỷ đồng. Theo đại diện TRC, việc này là rất khó khăn.

Hơn nữa, TRC có hoạt động xuất khẩu mủ cao su ly tâm (latex), nên khó khăn càng nhiều hơn khi Công ty phải nộp thuế xuất khẩu 3% trên giá bán theo Thông tư số 145/2011/TT-BTC. Sản lượng tiêu thụ xuất khẩu của TRC chiếm 38,04% tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm, trong đó xuất khẩu mủ latex chiếm 34,18%. Việc phải nộp thuế trên giá bán cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công ty. Các loại sản phẩm cao su khác không phải nộp thuế xuất khẩu.

Trao đổi với ĐTCK, ông Bành Mạnh Đức, Phụ trách công bố thông tin CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) cho hay, giá tiêu thụ mủ cao su sụt giảm là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp ngành cao su giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình biến động giá trong những tháng cuối năm chưa có dấu hiệu khả quan, nên trong năm nay, HRC dự kiến chỉ hoàn thành 70 - 80% kế hoạch (năm 2013, HRC đặt kế hoạch 68 tỷ đồng lợi nhuận).

Trong số 5 doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên đang niêm yết trên TTCK, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) sở hữu vườn cây có diện tích lớn nhất, xấp xỉ 15.000 héc-ta. 9 tháng đầu năm 2013, PHR ước đạt 256,4 tỷ đồng lợi nhuận, với giá bán bình quân 55,6 triệu đồng/tấn. Hiện PHR vẫn giữ được mức tiêu thụ ổn định, nhưng để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm 2013 là rất khó, bởi 9 tháng mới hoàn thành được 51% kế hoạch năm.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Giá cao su tại thị trường này đang giảm khá mạnh, nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để tránh phụ thuộc về giá.

CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) cho hay, so với 100 tỷ đồng hàng tồn kho đầu năm, đến cuối quý III, Công ty đã chi thêm hơn 13 tỷ đồng dự trữ nguyên vật liệu và tồn kho thành phẩm lên tới hơn 74 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với mức 58,5 tỷ đồng hồi đầu năm. 9 tháng đầu năm 2013, DPR đạt 259 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm.

Ngược lại với các doanh nghiệp cao su tự nhiên, giá cao su giảm chính là lợi thế đối với các doanh nghiệp sản xuất săm lốp như CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), CTCP Cao su Miền Nam (CSM) hay CTCP Cao su Sao Vàng (SRC). DRC dự kiến, trong năm 2013 sẽ đạt tổng doanh thu 2.765 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch.

Phân tích mới đây của các CTCK đã chỉ ra những lo ngại đối với doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên khi giá cao su đang trên đà giảm, trong khi quý III là quý tiêu thụ cao nhất đã trôi qua, nên chờ đợi sự đột biết trong vài tháng cuối năm là điều rất khó.        

>> Doanh nghiệp cao su “mất mùa” lợi nhuận   

>> Cao su tự nhiên: Lãi giảm do giá và diện tích giảm