Sản lượng và giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ.

Sản lượng và giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cao su kỳ vọng lãi cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cao su, bao gồm cao su thiên nhiên và săm lốp, kỳ vọng sẽ tăng cao trong năm nay.

Kỳ vọng lợi nhuận 2022

Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (Casumina, mã chứng khoán CSM) đặt mục tiêu năm 2022 đạt 4.954 tỷ đồng doanh thu, tăng 2%, nhưng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 101 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2021.

Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (mã chứng khoán PHR) đặt kế hoạch đạt gần 2.253 tỷ đồng doanh thu, hơn 898 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gần 744 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2022. So với mức thực hiện năm ngoái, kế hoạch này tăng 29% về doanh thu và tăng 58% về lợi nhuận trước thuế.

Đối với Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), Công ty Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 15% là khả thi.

Một số yếu tố bất thường giúp lợi nhuận của công ty cao su khả quan. Công ty Chứng khoán VNDIRECT ước tính, năm 2022, lợi nhuận ròng của PHR có thể tăng 156,2% so với năm 2021, nhờ khoản thu nhập một lần 898 tỷ đồng từ đền bù đất dự án VSIP III (quý I đã nhận hơn 289 tỷ đồng).

Với DPR, doanh thu đến từ ba nguồn chính gồm khai thác mủ cao su, sản xuất các sản phẩm từ cao su thiên nhiên (thường chiếm 65 - 70% tổng doanh thu), thanh lý diện tích cây cao su già và cho thuê hai khu công nghiệp đang quản lý là Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, DPR sẽ chuyển nhượng 150 ha diện tích đất cao su trong năm 2022 và 250 ha mỗi năm cho tới năm 2029, với giá bán như đã thực hiện năm 2021 là 1 tỷ đồng/ha, đem về 1.740 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2029. Đây sẽ là yếu tố chính đóng góp vào lợi nhuận của DPR khi khoản thu nhập bất thường này dự kiến chiếm từ 30 - 50%.

Tự tin vượt qua thách thức

Quý I/2022, doanh nghiệp cao su gặp áp lực về giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng, khiến biên lợi nhuận của DPR, CSM, DRC suy giảm. Trong đó, biên lợi nhuận của DRC giảm mạnh hơn, còn 5,1%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 7%.

Để giảm áp lực về chi phí, các doanh nghiệp săm lốp bắt đầu điều chỉnh giá bán sản phẩm kể từ tháng 4/2022. Chẳng hạn, DRC đã tăng giá bán thêm 5% đối với lốp xe đạp, xe máy và 7% đối với lốp xe tải. Dự kiến, trong tháng 6 tới, Công ty sẽ ra mắt thương hiệu lốp Dstar cho phân khúc xe khách, xe tải đường dài.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, biên lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp săm lốp sẽ có sự cải thiện từ quý II/2022 trở đi. Ngoài ra, giá bán tăng cùng với nhu cầu mạnh mẽ đối với tất cả các sản phẩm cho thấy triển vọng doanh thu tăng trưởng.

Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Casumina chia sẻ, ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga - Ukraine và việc Trung Quốc áp dụng chiến lược “zero covid” khiến một số nguyên vật liệu như than đen, cao su tổng hợp có tình trạng thiếu hụt, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến Casumina.

Công ty đã có kế hoạch dự trữ cao su cho năm 2022 từ tháng 11, 12 năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm nay, Casumina dự trữ cao su đủ để sản xuất tới tháng 8 - 9/2022. Do giá cao su nguyên liệu duy trì ở mức cao nên Công ty đã thông báo tăng giá bán sản phẩm cho khách hàng cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Lý giải mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh, trong khi doanh thu tăng nhẹ, lãnh đạo Casumina cho biết, năm nay, chi phí sản xuất sẽ không tốn kém nhiều như năm ngoái khi phải làm việc theo phương án “3 tại chỗ” do dịch Covid-19, nên lợi nhuận dự kiến tăng cao.

Với nhóm doanh nghiệp cao su thiên nhiên, PHR đặt mục tiêu quý II/2022 đạt doanh thu 486 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, giá bán mủ cao su bình quân 41 triệu/tấn, cả năm là hơn 39 triệu đồng/tấn (năm 2021, giá bán bình quân là 41,38 triệu đồng/tấn, tăng 24,38% so với năm 2020). Theo PHR, dịch bệnh Covid-19 diễn phức tạp, kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Công ty có vườn cao su 7.331 ha, nhưng diện tích vườn cây khai thác nhóm I chiếm tỷ lệ cao và cho năng suất thấp. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng thiếu lao động thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, Công ty sẽ kiểm soát tốt các chi phí để hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2022.

Giới phân tích đánh giá, trong thời gian tới, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá dầu thô tăng cao, nguồn cung cao su giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn gia tăng. Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.

Bốn tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu được 485.000 tấn cao su, trị giá 857 triệu USD, tăng 4% về sản lượng và tăng 9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan