Nhu cầu tiêu thụ cao su được kỳ vọng sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023.

Nhu cầu tiêu thụ cao su được kỳ vọng sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023.

Doanh nghiệp cao su: Khó khăn vơi dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cao su duy trì ở mức thấp khiến lợi nhuận các tháng đầu năm 2023 của nhiều doanh nghiệp ngành này sụt giảm, nhưng khó khăn đang có dấu hiệu vơi dần.

Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh

Trong tháng 5/2023, Việt Nam xuất khẩu 117.080 tấn cao su, trị giá 158,17 triệu USD, tăng 33,4% về lượng và tăng gần 30% về trị giá so với tháng 4, nhưng so với cùng kỳ năm 2022, khối lượng tăng nhẹ, còn giá trị giảm hơn 20%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su ước đạt 580.000 tấn, trị giá 803 triệu USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng giảm tới 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, bởi giá cao su sụt giảm.

Giá cao su xuất khẩu trong tháng 5/2023 trung bình là 1.351 USD/tấn, giảm 2,3% so với tháng 4; giá xuất khẩu trung bình trong 5 tháng đầu năm 2023 là 1.380 USD/tấn, giảm 21% so với cùng kỳ.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, tháng 5/2023 nhập khẩu 87.285 tấn, tăng 36% so với tháng 4, nhưng thấp hơn mức bình quân 4 tháng đầu năm nay. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 443.683 tấn cao su của Việt Nam, trị giá hơn 600 triệu USD, tăng 10,2% về lượng và giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), giá cao su từ đầu năm 2023 đến nay duy trì ở mức thấp bởi kinh tế toàn cầu hồi phục chậm, lạm phát cao và lãi suất tăng khiến người dân hạn chế chi tiêu, rủi ro gia tăng trên thị trường tài chính toàn cầu, tác động từ xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Dự báo, sản lượng cao su thiên nhiên trong năm 2023 tăng 2,7% so với năm 2022, lên gần 15 triệu tấn, trong khi tiêu thụ giảm 0,4%, xuống 14,9 triệu tấn.

Diễn biến giá cao su thế giới từ đầu năm 2022 đến ngày 21/6/2023 (Đơn vị: USD Cents/kg). Nguồn: tradingeconomics.

Diễn biến giá cao su thế giới từ đầu năm 2022 đến ngày 21/6/2023 (Đơn vị: USD Cents/kg). Nguồn: tradingeconomics.

Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) ước tính, tổng nhu cầu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp trên thế giới năm 2023 là 30,64 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm 2022; trong đó, mức tiêu thụ cao su tự nhiên tăng 2,1%. Tuy nhiên, nguồn cung cao su năm nay có thể cao hơn nhu cầu từ 2 - 3%. IRSG nhận định, trong dài hạn, nhu cầu cao su toàn cầu sẽ phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến xung đột Nga - Ukraine và mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới.

Thận trọng lên kế hoạch 2023

Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán DPR) cho biết, năm 2023 tiếp tục có những diễn biến khó lường đối với tình hình an ninh, kinh tế thế giới nói chung và thị trường cao su Việt Nam nói riêng. Trong đó, xung đột Nga - Ukraine khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào và chi phí logistic tăng, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Công ty.

Trong tháng 5/2023, giá bán cao su bình quân của Cao su Đồng Phú là 34,44 triệu đồng/tấn, bình quân 5 tháng đầu năm 2023 là 34,26 triệu đồng/tấn, thấp hơn 10,5% so với kế hoạch 38,28 triệu đồng/tấn trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu cao su trong 5 tháng đầu năm 2023 là 966.651 USD, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và mới chỉ đạt 13,4% kế hoạch năm.

Cao su Đồng Phú ghi nhận doanh thu tiêu thụ cao su trong 5 tháng đầu năm 2023 là 172,5 tỷ đồng, giảm gần 26% so với cùng kỳ và hoàn thành 21,1% mục tiêu cả năm (819 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp về sản xuất - kinh doanh trong 5 tháng là 86,1 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cùng kỳ và bằng 31,3% kế hoạch năm, nhưng riêng lợi nhuận sản xuất - kinh doanh cao su chỉ đạt 5,5 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.

Đại hội cổ đông Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán GVR) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục đạt tiêu doanh thu 27.527 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.264 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,8% và 10,3% so với kết quả thực hiện năm 2022. Trong quý đầu năm 2023, Tập đoàn đạt doanh thu 4.135,2 tỷ đồng, giảm 15,5%; lợi nhuận sau thuế 755,7 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do giá bán giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm từ 30% xuống 24,3%.

Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán PHR) ước tính, năm 2023 đạt doanh thu công ty mẹ 1.813 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hơn 487 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 47% so với mức thực hiện năm 2022.

Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (mã chứng khoán BRC) cho hay, năm 2023, khó khăn bủa vây khi giá nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục tăng, giá mủ cao su giảm nhưng giá thành phẩm không giảm nhiều và phải cạnh tranh với các công ty thương mại hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, Công ty sẽ tập trung kiểm soát chi phí, đẩy mạnh năng lực bán hàng nên kế hoạch kinh doanh năm nay đề ra tương đương mức thực hiện năm ngoái. Cụ thể, mục tiêu năm 2023 là đạt 329,6 tỷ đồng doanh thu và 19,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm gần 4% và tăng 3,5% so với năm 2022.

Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu 5.060 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, tăng 3% về doanh thu, nhưng giảm 15% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm 2022.

Hiệp hội Cao su Việt Nam đánh giá, cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên ngày càng gay gắt cả về giá thành và chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc và gặp khó khăn khi thâm nhập vào các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản…

Các doanh nghiệp cao su đang đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, khi ngành ô tô nước này đang có dấu hiệu tích cực. Số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho thấy, trong tháng 5/2023, sản lượng ô tô đạt 2,33 triệu chiếc, tăng 9,4%; doanh số bán hàng đạt gần 2,4 triệu chiếc, tăng 10% so với tháng 4. Hoạt động sản xuất lốp xe của Trung Quốc sôi động hơn sẽ kéo theo nhu cầu về cao su gia tăng.

Năm ngoái, Trung Quốc tiêu thụ 1,5 triệu tấn cao su Việt Nam, trị giá 2,34 tỷ USD, chiếm 79,8% tổng giá trị xuất khẩu cao su; tỷ lệ này trong 5 tháng đầu năm nay là 82%.

Tin bài liên quan