Giá mủ cao su đang tăng mạnh so với đầu năm.

Giá mủ cao su đang tăng mạnh so với đầu năm.

Doanh nghiệp cao su hưởng lợi kép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cả hai mảng kinh doanh chính của các doanh nghiệp ngành cao su là sản xuất - kinh doanh mủ cao su và cho thuê khu công nghiệp đều được hưởng lợi từ thị trường.

Giá bán cao su tăng mạnh

Ngày 25/2/2022, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đạt 2.250 USD/tấn, tăng 16,6% so với hồi đầu năm. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ ngày 10/5/2021 đến nay.

Giá cao su thiên nhiên và giá dầu thô trên thị trường thế giới thường có mối quan hệ thuận chiều với nhau, do giá cao su thiên nhiên gắn liền với giá cao su nhân tạo - một sản phẩm của ngành công nghiệp lọc hoá dầu.

Trong phiên giao dịch ngày 1/3/2022, giá dầu Brent giao trong tháng 3 đạt hơn 100 USD/thùng, tăng 3,1% so với phiên trước đó. Xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây có thể gây gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga - quốc gia đang chiếm khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu, đẩy giá dầu tiếp tục tăng cao.

Bên cạnh ảnh hưởng của việc giá dầu thô tăng, giá cao su thiên nhiên cũng đang hưởng lợi từ chênh lệch cung - cầu. Theo ước tính của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên, sản lượng cao su toàn cầu trong năm 2022 có thể đạt 14,55 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ có thể lên tới 14,8 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2021.

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhu cầu găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân tăng mạnh, đây là động lực quan trọng để gia tăng sức cầu với sản phẩm cao su tự nhiên trong năm.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2022- 2024 được dự báo là chu kỳ tăng mạnh của giá cao su do nguồn cung đang giảm dần (diện tích vườn cao su trên thế giới giảm và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu).

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu cao su có thể tiếp tục hưởng lợi về giá trước những diễn biến thuận lợi của thị trường thế giới. Mục tiêu của Việt Nam năm nay là xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 3,5 tỷ USD.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Goutai Junan Việt Nam đánh giá, giá cao su sẽ dao động xung quanh vùng 39 triệu đồng/tấn trong năm nay, do thiếu nguồn cung và nhu cầu cao tại thị trường Trung Quốc. Nhưng thực tế, ngay từ tháng 1 năm nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam xuất bán mủ cao su với giá từ 41 - 42 triệu đồng/tấn.

Doanh nghiệp lạc quan với kế hoạch tăng trưởng

Diễn biến tích cực của thị trường xuất khẩu cao su đã phản ánh vào kết quả kinh doanh tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong ngành.

Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã DPR) cho biết, trong tháng 1/2022, Công ty xuất bán với giá 41,2 triệu đồng/tấn, cao hơn 2,4 triệu đồng/tấn so với kế hoạch, ghi nhận 22,8 tỷ đồng doanh thu.

Ngoài quỹ đất ở Bình Phước, DPR còn có vườn cây tại Campuchia đang bắt đầu vào thời kỳ cho năng suất thu hoạch mủ cao nhất. Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công đánh giá, sản lượng khai thác mủ cao su của DPR sẽ phục hồi trong năm 2022 sau khi bị giảm đáng kể trong năm 2021 do chịu sự tác động của dịch bệnh Covid-19.

Năm qua, hàng loạt doanh nghiệp ngành cao su báo lãi tăng mạnh và kỳ vọng năm 2022 tiếp tục triển vọng sáng. Trong đó, Tập đoàn Cao su Việt Nam báo lãi 5.600 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm và tăng 10% so với năm 2020. DPR báo lãi 491 tỷ đồng, tăng trưởng 132%.

Công ty cổ phần Cao su Tân Biên (mã RTB) báo lãi 380 tỷ đồng, tăng 100%. Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa (mã BRR) báo lãi tăng 34,2%, lên 146 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cao su Sơn La cũng báo lãi 21,5 tỷ đồng…

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng. Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu cao su của thế giới cao cũng là yếu tố giúp hỗ trợ xuất khẩu.

Biên lợi gộp của nhóm doanh nghiệp ngành cao su đã cải thiện đáng kể nhờ giá bán tăng. Đơn cử, tại DPR, trong tháng 1 vừa qua, với doanh thu 22,8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 9,2 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt đến 40,3%.

Năm 2022, PHR đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.203 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 738 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (PHR) đặt kế hoạch doanh thu quý I/2022 đạt 482,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỷ đồng, biên lợi nhuận vào khoảng 33%.

Năm 2022, PHR đặt mục tiêu doanh thu 2.203 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu khai thác cao su đạt 1.337 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 738 tỷ đồng; cổ tức chi trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%. So với kết quả đạt được của năm 2021, kế hoạch kinh doanh năm nay của Công ty tăng 13,4% về doanh thu và 27,6% về lợi nhuận.

Hưởng lợi từ chuyển dịch sang bất động sản khu công nghiệp

Bên cạnh mảng chính là sản xuất - kinh doanh cao su, nhiều doanh nghiệp ngành cao su đang chuyển đổi quỹ đất rừng cao su thành đất công nghiệp. Mảng kinh doanh nhiều tiềm năng này đã và đang đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Năm nay, PHR đặt mục tiêu thu về gần 270 tỷ đồng doanh thu từ việc cho thuê 50.000 m2 tại Khu công nghiệp Tân Bình, lợi nhuận sau thuế thu về gần 133 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán Thành Công, DPR quản lý quỹ đất tổng cộng 9.300 ha đất. Công ty đã bàn giao lại 2.000 ha cho tỉnh Bình Phước để giao lại cho bên thứ 3 phát triển khu công nghiệp với giá 1 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, DPR sẽ sử dụng 2.000 ha để tự phát triển khu công nghiệp và các khu nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, trong thời gian tới, DPR sẽ nhận được 317 tỷ đồng đền bù đất từ Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú mở rộng. Khoản đền bù này sẽ được ghi nhận trên báo cáo tài chính năm 2023 của DPR. Nếu tiến độ pháp lý được thực hiện đúng theo dự đoán của Ban lãnh đạo thì DPR có thể sẽ ghi nhận khoản này ngay trong 2022, hỗ trợ rất lớn cho lợi nhuận sau thuế cả năm.

Khi Việt Nam chuyển sang thích ứng linh hoạt trong công tác phòng chống Covid-19, nền kinh tế bước vào trạng thái "bình thường mới", đẩy mạnh phục hồi sản xuất, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp cũng sẽ tăng trở lại. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có quỹ đất rộng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu nhóm doanh nghiệp ngành cao su có diễn biến tích cực kể từ giữa giữa tháng 2 đến nay như BRC, DPR, BRR, RTB… Ngày 14/2, DPR đứng tại mức giá 72.800 đồng/cổ phiếu, nhưng đến ngày 1/3 đã đạt 77.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gần 6%. Cùng thời gian này, cổ phiếu BRC tăng 4%; RTB tăng 13%.

Giới phân tích nhìn nhận, dư địa tăng của nhóm này vẫn còn lớn khi đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố là giá bán tăng, chênh lệnh cung - cầu ngày càng rõ và biên lợi nhuận ngành được cải thiện. Doanh nghiệp ngành cao su có ba trụ cột vững chắc đóng góp vào tăng trưởng doanh thu là nguồn tiền kinh doanh cao su, khai thác khu công nghiệp và dòng tiền từ bàn giao đất, thanh lý cây cao su.

Tin bài liên quan