Doanh nghiệp cao su “đầu hàng” kế hoạch kinh doanh

Doanh nghiệp cao su “đầu hàng” kế hoạch kinh doanh

(ĐTCK) Giá cao su giảm mạnh trong năm 2014, đã khiến các DN cao su niêm yết đành phải “đầu hàng” kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm nay. Quyền lợi của các cổ đông cũng vì thế mà hao hụt.

Hết đà tăng lãi

Nếu như trước năm 2013, các DN ngành cao su như: CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC), CTCP Cao su Đồng Phú (DPR)…, khi kết thúc năm đều vượt khá xa kế hoạch kinh doanh đề ra. Thế nhưng, năm nay, dù đã xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng thận trọng, nhưng các DN này vẫn không thể kham nổi. Diễn biến này khiến các DN ngành cao su phải đối mặt với cú rớt đà tăng lợi nhuận, mặc dù những năm trước, đây là chuyện hiếm gặp.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các DN ngành cao su phải “đầu hàng” kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm nay là, trung bình giá tiêu thụ cao su của các DN giảm khoảng 30% so với giá bán trung bình của năm ngoái. Bởi vậy, ngay cả khi các DN đã cố xoay sở bằng cách tăng sản lượng khai thác, hoặc tăng lượng cao su thu mua để chế biến, qua đó tăng khối lượng tiêu thụ, vẫn không thể bù đắp được phần giảm giá. Hệ quả là các DN không còn cách nào khác phải điều chỉnh giảm khá mạnh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2014, để tránh bị cổ đông truy vấn khi kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2015 đang cận kề.

Đáng chú ý nhất là phương án điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch kinh doanh năm 2014 của TRC, khi doanh thu giảm từ 722,8 tỷ đồng xuống 551 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm mạnh từ 137 tỷ đồng xuống còn 64,8 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này do HĐQT của TRC quyết và sẽ trình ĐHCĐ thường niên năm 2015 phê duyệt.

Một trường hợp nữa cũng phải “giơ cờ trắng” trước kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm nay là DPR. 11 tháng năm 2014, DPR ước đạt 845 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận trước thuế hơn 193 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra là 249 tỷ đồng lợi nhuận. Đây là lý do DPR đang lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay còn 190 tỷ đồng. Ngày 25/12 là thời hạn cuối cùng các cổ đông phải gửi ý kiến biểu quyết bằng văn bản về cho DPR.

Cũng thông qua hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, ĐHCĐ của PHR mới đây đã thông qua phương án giảm hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh đã được Đại hội thông qua hồi đầu năm. Theo đó, doanh thu của PHR giảm gần 3%, lợi nhuận sau thuế giảm 22,17%, còn hơn 164 tỷ đồng.

Sự thất bại của các DN ngành “vàng trắng” trong chinh phục kế hoạch kinh doanh năm nay, đang khiến cổ đông, NĐT đặt dấu hỏi về khả năng phòng ngự của nhóm cổ phiếu này trong bối cảnh TTCK có nhiều biến động. 

Hao hụt quyền lợi cổ đông

Trong phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay, ngoại trừ DPR vẫn giữ nguyên tỷ lệ chi trả cổ tức là 30% bằng tiền, thì PHR đã phải giảm khá mạnh tỷ lệ này từ 30% xuống 20%. Với trường hợp của TRC, phương án điều chỉnh cổ tức chưa được nêu ra, nhưng với mức lợi nhuận điều chỉnh giảm quá nửa so với kế hoạch, nhiều khả năng TRC sẽ khó đảm bảo trả cổ tức 30% bằng tiền như đã cam kết với cổ đông. Rất có thể phương án giảm tỷ lệ chi trả cổ tức cũng sẽ được trình ĐHCĐ thường niên năm 2015 xem xét cùng với kế hoạch giảm chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, đã được HĐQT của TRC quyết.

Mặc dù vậy, đó là câu chuyện của năm nay, còn sang năm tới, liệu cổ đông, NĐT có thể kỳ vọng khó khăn của DN ngành cao su sẽ qua đi, để họ lại được hưởng mức cổ tức cao khá đều đặn như nhiều năm trước đây?

Doanh nghiệp cao su “đầu hàng” kế hoạch kinh doanh ảnh 1

Những diễn biến mới nhất trên thị trường cho thấy, kỳ vọng trên của các cổ đông, NĐT quan tâm tới nhóm cổ phiếu ngành cao su sẽ khó thực hiện khi các DN ngành này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Với những thông tin mà Hiệp hội Cao su Việt Nam vừa công bố, giá cao su chưa có triển vọng phục hồi, ít nhất là trong đầu năm 2015, khi Trung Quốc, nước sử dụng cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, từ ngày 1/1/2015 sẽ tăng thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, cùng với giá dầu thế giới đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, đang tạo sức ép có thể khiến giá xuất khẩu cao su của các DN Việt Nam giảm thêm trong năm tới, chứ chưa dễ phục hồi trở lại sau cả 1 năm ở trong trạng thái liên tục trượt giá.

Cổ phiếu cao su từng là nơi trú ngụ an toàn của đồng vốn, đang đối mặt với sự do dự không nhỏ của nhà đầu tư.

Tin bài liên quan