Nhiều năm nay, HNX tổ chức vinh danh các doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu về quản trị công ty, minh bạch thông tin.

Nhiều năm nay, HNX tổ chức vinh danh các doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu về quản trị công ty, minh bạch thông tin.

Doanh nghiệp càng minh bạch, hoạt động càng hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo kết quả Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) năm 2020 - 2021 đã cho thấy nhiều thông tin hữu ích.

Những con số biết nói

Quản trị công ty là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn từ phía các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, cổ đông, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan. Bởi đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hiệu quả của thị trường chứng khoán và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một hệ thống quản trị công ty tốt là cơ sở vững chắc cho sự vận hành của các doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế thị trường và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Xuất phát từ tầm quan trọng của quản trị công ty, trong những năm qua, HNX cùng với các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp từng bước cải thiện chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên Sở nói riêng và trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung.

HNX đã triển khai Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch dành cho các doanh nghiệp niêm yết từ năm 2012 - 2016 và bắt đầu triển khai đánh giá cho các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM từ năm 2018.

Chương trình đã đạt được một số thành công nhất định, nhận được sự quan tâm của các thành viên thị trường và được các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Dựa trên những thành công của Chương trình đánh giá công bố thông tin và minh bạch trong 3 năm vừa qua, năm 2021, HNX tiếp tục triển khai chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch cho các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên thị trường UPCoM. Có 302 doanh nghiệp được đánh giá trong chương trình này, chiếm 92,83% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường UPCoM tại thời điểm chốt dữ liệu.

Kết quả cho thấy, điểm công bố thông tin và minh bạch trung bình của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên UPCoM năm 2020 - 2021 đạt 63,71% (năm 2019 - 2020 là 58,01%; năm 2018 - 2019 là 61,40%; năm 2017 - 2018 là 59,75%) và có 177 trên tổng số 302 doanh nghiệp (tương đương 58,60%) có điểm cao hơn mức trung bình (năm 2020 là 52,52%).

Các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc rổ UPCoM Large (gồm 61 doanh nghiệp có giá trị vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên trên thị trường UPCoM, danh sách các doanh nghiệp này được cập nhật định kỳ) có điểm công bố thông tin và minh bạch trung bình đạt 65,69% (năm 2020 là 58,42%), cao hơn các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không thuộc rổ UPCoM Large, với đạt 63,35% (năm 2020 là 57,95%).

Các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn vẫn tiếp tục tập trung vào thực hiện các tiêu chí tuân thủ với tỷ lệ đạt điểm dành cho các tiêu chí tuân thủ là 61,93%, cao hơn mức trung bình nhưng giảm so với các năm trước (năm 2020 là 62,08%; năm 2019 là 61,61% và năm 2018 là 59,99%).

Mặc dù việc thực thi các tiêu chí mang tính thông lệ đã có cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn thấp và dưới mức trung bình, đạt 41,71%, (năm 2020: 33,75%; năm 2019: 40,72%; năm 2018: 39,75%).

Đáng chú ý, các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước cao có xu hướng thực hiện công bố thông tin tốt hơn.

Trong khi đó, chưa thấy mối liên hệ giữa việc doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có vốn sở hữu nước ngoài với chất lượng công bố thông tin.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị với Tổng giám đốc có kết quả công bố thông tin và minh bạch trung bình đạt 64,19% (năm 2020: 58,75%), tốt hơn so với các doanh nghiệp một nhân sự kiêm nhiệm hai chức danh này - chỉ đạt 50,10% (năm 2020 là 53,48%).

Đối với các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có thành lập Tiểu ban Hội đồng quản trị theo nguyên tắc về quản trị công ty của OECD, điểm trung bình đạt 65,34% (năm 2020 là 64,13%). Trong khi đó, các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không thành lập tiểu ban đạt 63,61% (năm 2020 là 57,61%) điểm.

Các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có công bố Quy chế nội bộ về quản trị công ty có điểm trung bình là 67,71% (năm 2020 là 60,82%), cao hơn so với mức 55,60% (năm 2020 là 55,36%) tại các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không có hoặc không công bố quy chế này.

Điểm số càng cao, hiệu quả kinh doanh càng tích cực

Điểm công bố thông tin và minh bạch có mối quan hệ tích cực với kết quả kinh doanh (được đo bằng ROE và ROA), đánh giá của thị trường đối với doanh nghiệp, được đo bằng chỉ số TobinQ và giá cổ phiếu. Kết quả cũng cho thấy, mỗi 1 phần trăm tăng của điểm công bố thông tin và minh bạch đồng nghĩa với việc ROA tăng 0,08% và ROE tăng 0,19%. Đây là dẫn chứng tốt để khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp thực thi tốt hơn các quy định, thông lệ về công bố thông tin và minh bạch.

Mỗi 1 phần trăm tăng của điểm công bố thông tin và minh bạch đồng nghĩa với việc ROA tăng 0,08% và ROE tăng 0,19%.

Các doanh nghiệp trong rổ UPCoM Large nhận được sự quan tâm lớn của thị trường và nhà đầu tư, do đó, việc thực hiện công bố thông tin và minh bạch tốt là điều kiện cần thiết để duy trì tính thanh khoản của những cổ phiếu này.

Một điểm đáng lưu ý là nhóm doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc rổ chỉ số UPCoM Large thực hiện các tiêu chí tuân thủ cao hơn 3,21% (năm 2020: cao hơn 2,16%) trong khi thực hiện các tiêu chí thông lệ cao hơn 2,15% (năm 2020: thấp hơn 1,12%) so với các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không thuộc rổ này.

Nhìn chung, kết quả đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2020 - 2021 cho thấy, chất lượng công bố thông tin và minh bạch giữa các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc rổ UPCoM Large cao hơn các doanh nghiệp không thuộc rổ.

Các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có vốn hóa thị trường và tổng tài sản cao hơn thường có chất lượng công bố thông tin và minh bạch tốt hơn.

Những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn dựa trên vốn hóa thị trường hoặc tổng tài sản thường có các hoạt động kinh doanh phức tạp hơn bởi mức độ đa dạng và đặc thù trong ngành nghề, lĩnh vực hoạt động cũng như số lượng cổ đông, nhà đầu tư, các công ty thành viên và công ty liên kết.

Do đó, tăng cường hoạt động quản trị công ty, đặc biệt là thực hành công bố thông tin và minh bạch giúp doanh nghiệp lớn đáp ứng tốt các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả điều hành, giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững.

Mặt khác, việc tuân thủ các quy định pháp luật cũng như áp dụng các thông lệ công bố thông tin và minh bạch tiên tiến yêu cầu doanh nghiệp cần phải có thời gian để bổ sung nguồn lực tài chính và con người. Do đó, các doanh nghiệp lớn thường có khả năng và nguồn lực tốt hơn để thực hiện các điều này.

Năm 2021, chất lượng công bố thông tin và minh bạch của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên HNX đạt 63,72%, tăng 5,71% so với điểm trung bình năm 2020. Điểm công bố thông tin và minh bạch năm 2021 tăng so với năm 2020 chủ yếu là do giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021 ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và loại bỏ 2 tiêu chí đánh giá mang tính thông lệ về việc công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc rổ chỉ số UPCoM Large tại thời điểm chốt dữ liệu có chất lượng công bố thông tin và minh bạch cao hơn 2,34% so với các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không thuộc rổ UPCoM Large (năm 2020 cao hơn 0,48%).

Kết quả đánh giá năm 2021 đã khẳng định lại một số mối quan hệ tương quan giữa điểm công bố thông tin và minh bạch với các yếu tố thị trường đã được rút ra từ kết quả đánh giá các năm trước. Chất lượng công bố thông tin và minh bạch càng tốt thì giá cổ phiếu càng cao.

Tin bài liên quan