Một trong những lý do khiến doanh thu của các DN cảng giảm là do đã giảm giá dịch vụ để cạnh tranh với nhau

Một trong những lý do khiến doanh thu của các DN cảng giảm là do đã giảm giá dịch vụ để cạnh tranh với nhau

Doanh nghiệp cảng chưa thấy điểm sáng

(ĐTCK) TTCK hiện có 7 DN trong lĩnh vực khai thác cảng đang niêm yết. Đến thời điểm này, 6 DN đã công bố báo cáo tài chính quý III và 9 tháng đầu năm 2014, với lợi nhuận trước thuế 9 tháng giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, doanh thu quý III của các DN này giảm đến 21,35% và 9 tháng giảm 2,9%. Kết quả này chưa phản ánh đúng thực trạng về lượng hàng hoá thông qua cảng khi Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 9 tháng đầu năm đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu đạt 107,2 tỷ USD, tăng 11,1%.

Số liệu khác từ Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 176,1 triệu tấn, tăng 13,86% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những lý do là các DN đã giảm giá dịch vụ để cạnh tranh với nhau. Trung tuần tháng 10, sau các cuộc đối thoại với DN vận tải biển tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công đã phải gửi công văn hoả tốc yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các DN khai thác cảng biển để thống nhất không giảm giá dịch vụ dưới áp lực của các hãng tàu nước ngoài.

Bên cạnh đó, có DN giải thích, trong 9 tháng đầu năm, khu vực của họ có thời tiết mưa nhiều, xảy ra các cơn bão lớn làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác.

CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) có doanh thu quý III và 9 tháng đầu năm lần lượt 36,31 tỷ đồng và 122 tỷ đồng, giảm tương ứng 29% và 17,32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý III giảm hơn một nửa xuống còn hơn 9 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng giảm 33,37% và chỉ đạt 35,65 tỷ đồng. Hết 9 tháng, DXP mới hoàn thành xấp xỉ 51% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, đến hết tháng 9, tổng lượng hàng hóa qua khu vực cảng Hải Phòng đạt xấp xỉ 48,5 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và bằng cả năm 2012. Dù ở khu vực này, nhưng DXP chẳng tận dụng được gì đáng kể.

Ngoài nguyên nhân khách quan, đối với DXP, hoạt động năm nay cầm chừng do một số hãng tàu đã chuyển sang các cảng lớn lân cận. Năm ngoái, vào thời điểm các cảng khác quá tải, họ đã chuyển bớt hàng qua cho DXP. Nay, khu vực này có thêm một cảng mới là Nam Hải Đình Vũ của Tập đoàn Gemadept (GMD) và các cảng hiện tại mở rộng thêm, DXP không còn được “hưởng xái” như trước.

Doanh nghiệp cảng chưa thấy điểm sáng ảnh 1

Hơn nữa, khi lượng hàng xuất nhập khẩu gia tăng, các hãng tàu chuyển qua sử dụng tàu lớn hơn, khi đó chỉ có những cảng lớn mới có thể tiếp nhận và đảm bảo các yêu cầu của hãng tàu về thời gian giải phóng hàng và các dịch vụ kèm theo như kho bãi, logistics…

Một trường hợp khác cũng…  sụt giảm là CTCP Cảng Rau Quả (VGP). Doanh thu quý III chỉ đạt hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 167,27 tỷ đồng, tính chung 9 tháng chỉ bằng hơn một nửa cùng kỳ, với 227 tỷ đồng. Lãi trước thuế quý III và 9 tháng lần lượt là 3 tỷ đồng và 14 tỷ đồng, giảm đáng kể so với 7,25 tỷ đồng và 21,77 tỷ đồng cùng kỳ. VGP mới hoàn thành 58,43% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Dịch vụ khai thác cảng của VGP đã hết công suất từ năm 2009, kể từ đó đến nay, VGP hầu như không có tăng trưởng lợi nhuận. Để duy trì lợi nhuận, HĐQT đã quyết định mở rộng sang lĩnh vực logistics. VGP đã mua một vài container để thử nghiệm thị trường trong nước. Hiện nay, doanh thu của VGP chủ yếu đến từ hoạt động thương mại.

Duy chỉ có CTCP Cảng Đồng Nai (PDN) có lợi nhuận tăng trưởng khả quan nhất, đến 38,15% trong quý III và 27,51% tính chung 9 tháng. PDN sắp về đích khi kết thúc 9 tháng đã hoàn thành 87,87% kế hoạch cả năm.

Dù chưa công bố báo cáo tài chính quý III, nhưng GMD thu hút sự quan tâm của nhiều CTCK với các báo cáo phân tích kể từ tháng 10 đến nay. Tháng trước, Công ty cũng đã tiếp 15 tổ chức là các CTCK và quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu và cập nhật kết quả hoạt động.

Kể từ khi GMD chính thức khai trương Cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng vào tháng 5/2014, hoạt động kinh doanh của cảng mới này đang có những tiến triển tích cực. Đây là dự án lớn, được đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, với 450 m cầu tàu và 150.000 m2 bãi, công suất thiết kế lên đến 500.000 TEU/năm.

Theo kế hoạch, cảng này sẽ hoạt động 60% công suất thiết kế trong năm 2014 và đạt công suất tối đa vào năm 2015. Theo thông tin của ĐTCK, công suất đến nay đã đạt mức 60%. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, Nam Hải Đình Vũ đã đón chuyến tàu đầu tiên của hãng tàu lớn thứ 2 thế giới là MSC.

Có thông tin cho biết, GMD muốn đầu tư mạnh vào lĩnh vực cảng biển thông qua việc mua cổ phần chi phối của một số DN trong ngành tại các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, nhưng do pháp luật có nhiều hạn chế và tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn còn quá lớn nên GMD chưa cảm thấy “hào hứng”.

Tin bài liên quan