Doanh nghiệp “cạn tiền” và manh nha những cuộc bán mình

Doanh nghiệp “cạn tiền” và manh nha những cuộc bán mình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Thực sự nhiều doanh nghiệp đang ở tình cảnh rất đáng thương. Họ bày lên bàn các tài sản hiện có và nói với chúng tôi trả giá nào cũng được, miễn sao bơm cho họ nguồn”, lãnh đạo một quỹ đầu tư có quy mô 14.000 tỷ đồng kể.

Quỹ đầu tư trên có công ty mẹ thuộc lĩnh vực bảo hiểm nên dồi dào nguồn. Tuy nhiên, không vì thế mà họ dễ dàng giải ngân ở thời điểm này vì giá tài sản đem bán ở mức thấp nhưng tương lai doanh nghiệp mới là điều đáng quan tâm. Liệu doanh nghiệp có khả năng sống sót để phát triển dự án đến tay người tiêu dùng? Yếu tố pháp lý ở các dự án làm sao để bên mua có thể thẩm tra được và đủ tin cậy...

“Chúng tôi thấy thương doanh nghiệp vô cùng nhưng cũng rất băn khoăn trước những đề nghị nhận được”, lãnh đạo quỹ đầu tư trên chia sẻ. Thời điểm này họ cũng bắt đầu nghiên cứu một danh mục mục tiêu để chờ thời điểm giải ngân, nhưng trước mắt ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất, có dòng tiền đều đặn.

Thị trường chứng khoán giảm sâu, nhiều cổ phiếu đã giảm hơn 20-30% so với thị giá hồi tháng 3/2020, thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Ngoài chống chọi với tình trạng “khô máu”, lãnh đạo doanh nghiệp và các quỹ còn đối mặt với yêu cầu giải trình của các cổ đông lớn, đặc biệt cổ đông nước ngoài vì tốc độ rớt giá quá nhanh của cổ phiếu khiến họ bất ngờ và lo lắng.

“Chúng tôi quá mệt mỏi và áp lực, cảm thấy bế tắc, nản lòng khi thành quả gây dựng nhiều năm có nguy cơ đổ vỡ”, phó tổng giám đốc một tập đoàn lớn chia sẻ.

Khi giá cổ phiếu giảm sâu và thiếu vắng lực cầu, trái phiếu của nhiều nhà đầu tư bị chiết khấu lớn do áp lực thanh khoản, cần tiền bán ra, đã có những đội “thợ săn” chờ cơ hội và dìm giá thấp nhất có thể.

Một nhóm nhà đầu tư có quy mô đưa ra đề nghị mua lại lô trái phiếu của nhà đầu tư với giá chiết khấu còn một nửa so với giá gốc (chưa kể lãi coupon). “Đồng ý thì bán, không thì thôi”, thành viên nhóm này kể. Những nhà đầu tư này thông qua nhiều nguồn để thẩm tra xem liệu doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng sống qua “cơn bão” hiện nay hay không?

Thanh khoản khó khăn còn là nguyên nhân khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết đang hoạt động ổn định bị “vạ lây”. Lý do là trong danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư (những tổ chức bị nhà đầu tư cá nhân rút vốn) có cổ phiếu này với số lượng lớn. Nay cần nguồn, họ buộc phải bán ra. Cổ phiếu càng được hấp thụ, càng bị xả mạnh và liên tục giảm.

Chủ tịch một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp cho biết, khi giá cổ phiếu tuột dốc, họ liên tục nhận được đề nghị của các quỹ và doanh nghiệp nước ngoài về việc bán cổ phần hoặc liên doanh dự án. Đây là cơ hội để họ thâu tóm tài sản với giá rẻ mạt vì thương vụ nào cũng dựa trên bối cảnh thị trường và ưu thế đang thuộc về bên mua.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VnDirect đã buồn rầu nhận xét, vòng xoáy giảm giá trên thị trường vốn Việt Nam cũng như tình trạng khát thanh khoản hiện nay sẽ kích hoạt các cuộc “bán mình” đáng tiếc của doanh nghiệp Việt.

Tin bài liên quan