Luật Doanh nghiệp 2014 bổ sung các quy định về trách nhiệm người quản lý công ty

Luật Doanh nghiệp 2014 bổ sung các quy định về trách nhiệm người quản lý công ty

Doanh nghiệp cần thay đổi khung quản trị để tiệm cận thông lệ quốc tế

(ĐTCK) Luật Doanh nghiệp 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, bổ sung mô hình quản trị mới cho sự lựa chọn của các công ty theo thông lệ quốc tế, nhưng hầu như chưa có công ty nào áp dụng. 

Đây là một phần lý do mà khi đánh giá về mức độ tốt về quản trị doanh nghiệp, thẻ điểm quản trị ASEAN cho thấy doanh nghiệp ở nước ta được đánh giá thấp.

Để chuẩn bị tốt cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm nay, bài viết này điểm lại những thay đổi quản trọng nhất của Luật Doanh nghiệp và lưu ý khi áp dụng trên thực tế.

Một thay đổi quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp 2014 đối với công ty cổ phần, bao gồm công ty niêm yết, là bổ sung mô hình quản trị mới cho sự lựa chọn của các công ty. Theo thông lệ quốc tế, mô hình mới này gọi là mô hình đơn hội đồng (tiếng Anh gọi là one-tier board model - xem sơ đồ). Đây là mô hình quản trị phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả các nước xung quanh ta như Singpapore, Thái Lan, Malaysia.

Các thực tiễn tốt quốc tế về quản trị doanh nghiệp, như OECD, Basel, G20, đều là áp dụng cho mô hình đơn hội đồng.

Mặc dù vậy, gần như chưa có công ty nào ở nước ta chuyển sang áp dụng quản trị theo mô hình mới. Đây cũng là một phần lý do mà khi đánh giá về mức độ tốt về quản trị doanh nghiệp, thẻ điểm quản trị ASEAN cho thấy doanh nghiệp ở nước ta được đánh giá thấp nhất (đạt 35,14/100 điểm) và cách khá xa khi so sánh với 5 nước xung quanh là Indonesia (57,27/100 điểm), Malaysia (75,22/100 điểm), Philippines (67,02/100 điểm), Singapore (70,72/100 điểm) và Thái Lan (84,53/100 điểm).

Tôi khuyến nghị, các công ty cổ phần, đặc biệt là công ty đại chúng và niêm yết nên chuyển sang áp dụng quản trị theo mô hình đơn hội đồng, nhằm hướng tới áp dụng thực tiễn quốc tế tốt nhất về quản trị doanh nghiệp.

Thay đổi quan trọng tiếp theo của Luật Doanh nghiệp 2014 là hạ thấp điều kiện tối thiểu tiến hành họp và thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, so với Luật Doanh nghiệp 2005. Tỷ lệ biểu quyết tối thiểu thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là 51% và 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp, tương ứng đối với quyết định thông thường và quyết định quan trọng (thấp hơn so với yêu cầu tỷ lệ biểu quyết tối thiểu tương ứng của Luật Doanh nghiệp 2005 là 65% và 75%).

Doanh nghiệp cần thay đổi khung quản trị để tiệm cận thông lệ quốc tế ảnh 1

 Phan Đức Hiếu,
Phó viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Điều kiện để tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông là có số cổ đông dự họp sở hữu số phiếu biểu quyết từ 51% đối với cuộc họp lần 1, từ 33% đối với cuộc họp lần 2 (thấp hơn so với điều kiện tiến hành họp của Luật Doanh nghiệp 2005 là 65% đối với cuộc họp lần 1 và 51% đối với cuộc họp lần 2).

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định trên cần lưu ý hai vấn đề sau:

Một là, các quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014 về điều kiện dự họp, tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông sẽ không “tự động” áp dụng đối với doanh nghiệp đã thành lập và hoạt động trước ngày 1/7/2015, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định như quy định mới của Luật này. Do đó, khi thông qua các nghị quyết, doanh nghiệp sẽ phải căn cứ vào Điều lệ của công ty về điều kiện dự họp, tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.

Thứ hai, trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp thì không phải cứ áp dụng tỷ lệ biểu quyết bằng mức yêu cầu tối thiểu của Luật Doanh nghiệp là tốt nhất. Đứng từ góc độ của chính doanh nghiệp, tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết công ty càng thấp thì càng dễ dàng để thông qua nghị quyết và ngược lại. Đứng từ góc độ khách hàng và bạn hàng, nếu Điều lệ quy định tỷ lệ biểu quyết để thông qua nghị quyết công ty càng cao (cao hơn so với Luật Doanh nghiệp) thì cho thấy quyết định được thông qua càng đáng tin cậy hơn và ngược lại.

Doanh nghiệp cần thay đổi khung quản trị để tiệm cận thông lệ quốc tế ảnh 2

Thay đổi quan trọng nữa của Luật Doanh nghiệp 2014 là bổ sung các quy định về trách nhiệm người quản lý công ty, đặc biệt là trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị.

Theo đó, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc có trách nhiệm thực hiện các quyền được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất vì lợi ích của công ty, trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông, minh bạch các lợi ích của mình tại các công ty khác. Việc vi phạm trách nhiệm này dẫn đến trách nhiệm cá nhân người quản lý bồi thường thiệt hại cho công ty và là cơ sở xem xét để bãi nhiệm.

Trên thực tế, nhận thức về trách nhiệm của người quản lý còn rất hạn chế, kể cả đối với chính người quản lý và cổ đông có liên quan. Hiện tượng vẫn xảy ra như người quản lý không coi trọng cổ đông, không trả lời hoặc không trả lời thỏa đáng chất vấn cổ đông tại cuộc họp, không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về hoạt động kinh doanh cho cổ đông, thực hiện nhiệm vụ chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một hoặc nhóm cổ đông lớn…

Doanh nghiệp cần thay đổi khung quản trị để tiệm cận thông lệ quốc tế ảnh 3

Nhìn chung, nhiều công ty chưa thực sự chú trọng đến việc thiết lập quản trị tốt trong doanh nghiệp, thậm chí thực hiện chưa đúng với tinh thần và nội dung về quản trị doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp, chưa nhận thức thấy lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp khi thiết lập khung quản trị tốt. Quản trị doanh nghiệp tốt cần phải được nhìn nhận đúng đắn và nhìn về dài hạn.

Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:

a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.

2. Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

(Điều 134, Luật Doanh nghiệp 2014)

Tin bài liên quan