Thương mại hai chiều liên tục tăng
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức không ngừng tăng trưởng: năm 2018 và 2019 đạt 2 chữ số (trên 10 tỷ USD), năm 2021 đạt kỷ lục 11,23 tỷ USD; 10 tháng của năm 2022 đã đạt 10,58 tỷ USD, lớn thứ 12 trên thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Australia, Ấn Độ, Malaixia, Indonesia, Hồng Kông). Kỳ vọng cả năm 2022 đạt 12,84 tỷ USD, tăng 14,3% so với 2021 - là kỷ lục mới và đứng đầu trong các thị trường châu Âu.
Riêng về xuất khẩu của Việt Nam sang Đức liên tục tăng qua các năm: năm 2021 lần đầu tiên vượt qua mốc 7,29 tỷ USD; năm 2022, mới qua 10 tháng đã lớn hơn kỷ lục đạt được trong cả năm 2021 và đứng thứ 7 trong các thị trường (chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hà Lan). So với cùng kỳ năm trước tăng cao hơn tốc độ của cả nước. Quy mô lớn và tốc độ tăng cao đã góp phần làm cho xuất khẩu của cả nước trong 10 tháng đạt 312,95 tỷ USD, tăng trưởng 16%.
Số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Đức có nhiều, lên tới 29 mặt hàng chủ yếu. Trong các mặt hàng này, có 12 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, với 5 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD, đặc biệt có 1 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD là máy móc (1,18 tỷ USD).
Nếu xuất khẩu bình quân 2 tháng còn lại của năm bằng với mức trung bình của 10 tháng thì sẽ đạt 1,712 tỷ USD và cả năm sẽ đạt 9,323 tỷ USD, tăng 2,03 tỷ USD so với năm 2021. Đây là kỷ lục mới về xuất khẩu của Việt Nam sang Đức.
Còn dư địa tăng trưởng
Nhập khẩu từ Đức có quy mô khá, đứng thứ 14 trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Số mặt hàng có nhiều, trong đó có 31 mặt hàng chủ yếu, với 3 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt, có 1 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác).
Do xuất khẩu 10 tháng có quy mô lớn hơn nhập khẩu, nên xuất siêu lớn (4,644 tỷ USD). Mức xuất siêu sang Đức trong 10 tháng lớn thứ 5 trong 18 thị trường có mức xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD) của Việt Nam. Xuất siêu sang Đức đã góp phần làm cho cả nước đạt mức xuất siêu 9,59 tỷ USD trong 10 tháng.
Nếu nhập khẩu bình quân 1 tháng trong 2 tháng còn lại đạt bằng với mức của tháng 10 (279,4 triệu USD), thì 2 tháng đạt 559 triệu USD và cả năm 2022 sẽ đạt 3,527 tỷ USD, tăng 560 triệu USD so với năm 2021.
Theo đó, năm 2022, Việt Nam tiếp tục ở vị thế xuất siêu 4,644 tỷ USD với Đức, cao nhất từ trước đến nay. Mức xuất siêu sang Đức đã góp phần giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức 2 chữ số.
Mặc dù quy mô, tốc độ tăng xuất khẩu và mức xuất siêu cao của Việt Nam sang Đức, nhưng cũng có một số vấn đề đáng quan tâm.
Đức là nước có diện tích lớn hơn Việt Nam một chút (357.588 km2 so với 331.210 km2), có dân số giữa năm 2021 đạt 83,1 triệu người (ít hơn Việt Nam có 98,5 triệu người). Tổng GDP tính bằng USD theo tỷ giá thực tế đạt 3.846,4 tỷ USD (cao gấp 11,1 lần Việt Nam). GDP bình quân đầu người đạt 46.208 USD (cao gấp 13 lần Việt Nam). Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 0,7% (thấp xa so với tỷ lệ 12,7% của Việt Nam) và đó cũng là lợi thế để hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Đức đạt 1.670 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc), lớn gấp 5,7 lần của Việt Nam. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 1.449,8 tỷ USD, lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc), cao gấp 5,1 lần của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức mới chỉ chiếm chưa tới 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức. Điều đó cho thấy thị trường Đức còn nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tiềm năng này càng có cơ hội khi EVFTA đã thực thi được hơn 2 năm nay, vấn đề là cần tranh thủ cơ hội. Doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu sang Đức, nhất là với những mặt hàng hiện có quy mô còn nhỏ (như gỗ và sản phẩm gỗ, cao su và sản phẩm cao su, chè, rau hoa quả, hạt điều, cà phê…); một số sản phẩm có kỹ thuật công nghệ cao (như máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại và linh kiện); một số sản phẩm khác (như dệt may, giày dép, sắt thép, sản phẩm sắt thép).