Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự ổn định và tính tiên liệu của chính sách thuế là rất quan trọng, bởi nó giúp DN có thể thiết lập và thực hiện được kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên gần đây, có nhiều quy định pháp luật về thuế thiếu ổn định, thay đổi nhanh, gây ra những “cú sốc” bất ngờ cho DN.
Ông Tuấn nêu ví dụ điển hình là trường hợp Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/5/2015 và Thông tư 195 195/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 24/11/2015 đều có hiệu lực ngay từ đầu năm 2016. Tính ra khoảng thời gian từ khi ban hành đến khi phải thực hiện chỉ trong thời gian rất ngắn, khiến DN hết sức bị động.
"Việc tăng thuế suất một mặt có thể hạn chế việc lãng phí, song mặt khác lại làm tăng chi phí đầu vào của cả nền kinh tế, cũng như chi phí phục vụ cuộc sống của người dân" - Ông Đinh Trịnh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.
“Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, thời điểm có hiệu lực của văn bản pháp luật không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành. Song đối với Thông tư 195, thì thời điểm có hiệu lực tính từ ngày ký là chưa đủ 45 ngày. Quan trọng hơn nữa, hầu hết các DN trong ngành này đều khẳng định việc thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với măt hàng rượu bia là khá đột ngột, khiến DN không thể đáp ứng kịp và đối mặt với nguy cơ thua lỗ”, ông Tuấn nói.
Tương tự, các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TTĐB, mà cụ thể là quy định cách tính thuế theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB và các văn bản hướng dẫn thực hiện thay đổi liên tục, đang khiến các DN ngành ôtô rất bị động. Theo VCCI, chỉ trong vòng 6 tháng, cách tính thuế TTĐB đã thay đổi 2 lần, mỗi lần thay đổi được áp dụng ngay trong vòng 2-3 tháng. Việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian ngắn không chỉ gây khó khăn cho các DN, mà sâu xa hơn sẽ tác động tiêu cực tới sức mua thị trường, cuối cùng là ảnh hướng tới chính nguồn thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, vấn đề gây khó khăn rất lớn cho DN hiện nay là trong khi chính sách thuế TTĐB điều chỉnh theo xu hướng ngày càng tăng và với mức độ lớn sẽ tạo gánh nặng về thuế phải nộp, khiến DN khó có nguồn tái đầu tư phát triển, thì lộ trình thay đổi chính sách thuế cũng chưa rõ ràng và phù hợp, đó là còn chưa tính tới thực tế hoạt động của các ngành sản xuất.
Theo đánh giá của VCCI, các DN sẽ gặp nhiều trở ngại với lộ trình tăng thuế TTĐB liên tục, với mức thuế suất cao như thời gian gần đây, đặc biệt là các DN trong ngành rượu bia và thuốc lá, trong bối cảnh các chính sách, giải pháp quản lý thị trường như chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế chưa được tăng cường một cách tương thích.
Không chỉ các DN, cơ quan đại diện cho DN và các Hiệp hội ngành hàng, mà ngay cả với các cơ quan quản lý cũng phải thừa nhận những điểm bất cập này trong chính sách thuế TTĐB. Ông Đinh Trịnh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận xét, việc sửa đổi khá thường xuyên các quy định về thuế đã gây không ít khó khăn cho DN kinh doanh những loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế.
“Điều này làm hạn chế tính ổn định của chính sách thuế và môi trường đầu tư. Đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, do nhiều đối tượng trong các luật thuế là các sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày, hoặc là đầu vào của các ngành sản xuất kinh doanh khác. Việc tăng thuế suất một mặt có thể hạn chế việc lãng phí, song mặt khác lại làm tăng chi phí đầu vào của cả nền kinh tế, cũng như chi phí phục vụ cuộc sống của người dân”, ông Hải thừa nhận.
Do vậy, ông Hải cho rằng, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật Thuế TTĐB tới đây là cần sửa đối một cách căn bản, ổn định, có lộ trình phù hợp, tránh và hạn chế việc sửa đổi, bổ sung thường xuyên một cách khó dự đoán như trong thời gian qua, để từ đó tạo điều kiện cho DN làm cơ sở căn cứ hoạch định chính sách, chiến lược sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và ông Đậu Anh Tuấn đều đưa ra khuyến nghị, chính sách thuế TTĐB cần được xây dựng theo lộ trình trung hạn và dài hạn, có sự ổn định và tính tiên liệu. Với lộ trình phù hợp và ổn định, chính sách thuế sẽ giúp tăng tính tuân thủ của người nộp thuế, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho việc quản lý và thu thuế, đảm bảo ổn định môi trường kinh doanh.
“Một chính sách thuế ổn định và có tính tiên liệu sẽ thúc đẩy được đầu tư, giúp các DN lập kế hoạch kinh doanh ổn định và chuẩn xác, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Tuấn nhấn mạnh.