Doanh nghiệp cần nhiều hơn giải pháp hạ lãi suất

Doanh nghiệp cần nhiều hơn giải pháp hạ lãi suất

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp; trong khi việc NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn. Dẫu vậy, thị trường vẫn chờ đợi nhiều hơn là những chính sách tiền tệ.

NHNN hạ lãi suất: bổ sung thanh khoản cho hệ thống tài chính

Ngày 15/3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành xuống mức gần 0% trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế Mỹ chống lại những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Ði kèm với đó, Fed cũng cam kết tăng quy mô nắm giữ trái phiếu ít nhất 700 tỷ USD, cho phép các ngân hàng vay chiết khấu trong 90 ngày và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0%.

Ðộng thái của Fed nằm trong chuỗi hành động phối hợp của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu.

Tính từ đầu tháng 2/2020, đã có trên 30 ngân hàng trung ương trên thế giới đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất điều hành cũng như tung ra gói nới lỏng định lượng (QE) nhằm cung cấp thanh khoản và hỗ trợ bình ổn thị trường tài chính.

Ngay sau khi Fed hạ lãi suất, NHNN đã có động thái nới lỏng tiền tệ. Ðánh giá về quyết định hạ lãi suất của NHNN Việt Nam, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam thuộc Khối Nghiên cứu toàn cầu của HSBC cho rằng: “Các động thái nới lỏng khẩn cấp gần đây của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu là kênh cân nhắc quan trọng trong quyết định của NHNN. Nhớ lại rằng, các quyết định nới lỏng năm ngoái của Fed và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã góp phần dẫn đến quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN vào tháng 9/2019”.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cắt giảm lãi suất của NHNN là một động thái chính sách cần thiết, tạo thêm nguồn lực tài chính cho các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng lớn để khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

“Theo quan điểm của chúng tôi, động thái cắt giảm lãi suất lần này của NHNN là rất quyết liệt với mục tiêu bổ sung thanh khoản cho hệ thống tài chính nhằm vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay, cũng như hạ chi phí vay vốn của các doanh nghiệp nội địa để hỗ trợ nền kinh tế”, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect phân tích.

Nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng được đặt lên NHNN thông qua việc cắt giảm lãi suất đã đến sớm hơn dự kiến và với mức độ lớn hơn 100 điểm cơ bản (1%) so với dự báo đưa ra trước đây của HSBC chỉ giảm 25 điểm cơ bản (0,25%).

Ðiều này phần lớn phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của NHNN về rủi ro Covid-19 đối với nền kinh tế.

Chính sách tài khoá cần được ưu tiên sử dụng trong các quý tới

Với động thái giảm lãi suất, NHNN đang đặt mục tiêu giảm bớt gánh nặng tài chính và thúc đẩy đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể trong hai tháng đầu năm, do nhu cầu vốn giảm bởi những bất ổn mà dịch Covid-19 gây ra.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang thực hiện một số biện pháp như yêu cầu các ngân hàng thương mại miễn, giảm, trì hoãn và cơ cấu lại lãi suất cho các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch.

Do đó, quyết định cắt giảm lãi suất sẽ bổ sung cho các biện pháp nới lỏng trước đây và có khả năng hỗ trợ nền kinh tế trên diện rộng trong bối cảnh rủi ro gia tăng.

Viện Ðào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, nhất là trong 2 quý đầu năm 2020. Thực tế tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, đến đầu tháng 3, tín dụng mới chỉ tăng 0,1%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy, 2 tháng đầu năm 2020, có hơn 17.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và khoảng 11.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động lên tới trên 16.000 và điểm đáng chú ý là, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động chủ yếu trong tháng 2. TS. Thành cũng nhấn mạnh, trong thống kê này chưa có số liệu về hộ kinh doanh, vốn lên tới vài triệu hộ hiện nay còn bao nhiêu hộ vẫn đang hoạt động.

“Khó khăn của cả nền kinh tế còn có thể nhìn thấy từ thống kê sơ bộ của hệ thống ngân hàng, khoảng 11,3% tổng dư nợ tín dụng có vấn đề. Như vậy, trong 8,5 triệu tỷ đồng dư nợ sẽ có hơn 900.000 tỷ đồng tín dụng bị ảnh hưởng. Do đó, không phải ngẫu nhiên hệ thống ngân hàng thông báo hỗ trợ các doanh nghiệp”, TS. Thành nói.

Bà Yun Liu nhận định: “Ngay cả khi số liệu xuất khẩu chưa cho thấy bị ảnh hưởng lớn, nhưng sự gián đoạn của chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ gây ra nhiều khó khăn cho ngành sản xuất của Việt Nam, do sự phụ thuộc ngày càng tăng của hàng hóa Trung Quốc như là nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất”.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế, bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã “tiêu được tiền”.

“Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay”, ông Thành nhấn mạnh.

“Chúng tôi dự báo NHNN sẽ giữ lãi suất ổn định ở mức hiện nay cho đến cuối năm. Nhưng, nếu điều kiện kinh tế và tài chính toàn cầu xấu đi, khả năng cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) lãi suất trong quý II cũng không thể loại trừ”, bà Yun Liu chia sẻ.

Các chuyên gia phân tích đến từ Công ty Chứng khoán VNDirect dự đoán, lạm phát năm nay có thể tiệm cận mức trần Quốc hội giao là 4,0%, do đó, dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành không còn nhiều.

Ngoài ra, trong tình hình hiện tại, rất khó để các ngân hàng thúc đẩy cho vay vì nhu cầu tín dụng trong giai đoạn hiện nay khá thấp.

Do đó, chính sách tài khoá cần được ưu tiên sử dụng trong các quý tới để hỗ trợ nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi vẫn cho rằng, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn của chính sách tài khóa.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần tiếp tục theo dõi, cân nhắc có thể giảm lãi suất điều hành ở một mức độ nhất định nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn sau khi dịch bệnh được kiểm soát; đồng thời, phải kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn”.

Tin bài liên quan