Doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn phải minh bạch tài chính, chứng minh thiệt hại và khó khăn

Doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn phải minh bạch tài chính, chứng minh thiệt hại và khó khăn

(ĐTCK) Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 390 dự án đang đầu tư với số vốn đăng ký là 121 nghìn tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 11.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, hơn 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký là 126.000 tỷ đồng. Ước tính tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp là gần 1.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn khoảng 250.000 tỷ đồng. 

Thông tin trên được ông Phạm Quang Thắng, Phó giám đốc Sở kế hoạch đầu tư Vĩnh Phúc đưa ra tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc diễn ra sáng 22/5. 

Kiến nghị của doanh nghiệp

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Biện, Công ty Trường Biện cho biết, sau khi bùng phát dịch, nguyên liệu sản xuất tồn kho, hoạt động rất khó khăn nhưng quan trọng hơn là tư tưởng nhân viên trong doanh nghiệp khá nặng nề. Quay trở lại sản xuất thì nguyên vật liệu thiếu, không có chuyên gia sang nên thật sự khó khăn, nợ của khách khó đòi trong khi đến hạn nợ của ngân hàng, khách hàng phải trả. 

“Thứ nhất là xem xét giảm lãi suất để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về tài chính. Thứ hai là hướng dẫn doanh nghiệp giấy tờ cần thiết để có thể gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ. Thứ ba là giới thiệu doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ như bảo lãnh thanh toán, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có dòng tiền mới”, ông Biện kiến nghị.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Long Quân nhận định, sự hỗ trợ của các TCTD trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho dù không nhiều nhưng sẽ rất quý. Hiện doanh nghiệp đang được hỗ trợ 0,5 lãi suất, thời hạn hết tháng 6 và kiến nghị các ngân hàng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp hết năm nay. 

“Nguồn vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay thông qua các ngân hàng cung cấp tín dụng là chủ yếu. Một số doanh nghiệp đã được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ bởi dịch bệnh ảnh hưởng đến khả năng vay và trả nợ của doanh nghiệp. Điều này rất ý nghĩa.

Tôi đề nghị, về phía chính sách của tỉnh đề ra đó là hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng; lập những lớp đào tạo để giúp doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. NHNN nghiên cứu hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp cần nhận thức rõ, nhu cầu vay vốn không thiếu, rất sẵn. Nhưng doanh nghiệp cần chứng minh rõ ràng, ngân hàng mới có cơ sở cho vay”, ông Thắng nói.

Ngân hàng sẽ chia sẻ tối đa khó khăn với người dân và doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chỉ đạo các TCTD chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp trước, trong và sau khi dịch kết thúc; chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.

Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đồng thời, xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm. Kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn phải minh bạch tài chính, chứng minh thiệt hại và khó khăn ảnh 1

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn

Đối với Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, ông Sơn nhấn mạnh: “Thực hiện thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các chi nhánh TCTD trên địa bàn không chấp hành, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai theo đúng chủ trương của ngành, quy định và chỉ đạo của NHNN. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh và NHNN các vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền”.

Về phía UBND thành phố tỉnh Vĩnh Phúc, ông Sơn kiến nghị, các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các TCTD trên địa bàn trong xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14; chỉ đạo công tác xác nhận, phê duyệt danh sách các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai minh bạch, khách quan, hiệu quả, thu hồi được vốn vay.

Còn đối với các doanh nghiệp, ông Sơn nêu quan điểm, cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.

Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các TCTD để nắm bắt thông tin, quy định của các TCTD, trên cơ sở đó minh bạch tài chính, dòng tiền, doanh thu, thu nhập, chứng minh thiệt hại, khó khăn để các TCTD có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn phải minh bạch tài chính, chứng minh thiệt hại và khó khăn ảnh 2

Toàn cảnh hội nghị

“Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế nói chung và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

Tôi hy vọng rằng với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với các Sở, ban, ngành, các hiệp hội sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới”, ông Sơn nói.

Cùng ngày, Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tỉnh An Giang nhằm tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân tỉnh An Giang cùng lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN, NHNN chi nhánh An Giang, các tổ chức tín dụng đại diện lãnh đạo các Hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn đã được tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm hiện tại, các TCTD đã xác định được một số khách hàng với những thiệt hại cụ thể, số liệu rõ ràng và đưa ra hình thức hỗ trợ như sau:

Cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so với lãi suất khoản vay cũ được 9.465 khách hàng, doanh số cho vay luỹ kế từ ngày 23/01/2020 là 11.825 tỷ đồng, trong đó: 717 doanh nghiệp, doanh số đạt 6.244 tỷ đồng; Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 8.748 trường hợp, doanh số đạt 5.581 tỷ đồng.

Miễn, giảm lãi vay cho 1.215 khách hàng, dư nợ đạt 2.584 tỷ đồng, trong đó: 230 doanh nghiệp, dư nợ đạt 1.385 tỷ đồng; Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 985 trường hợp, dư nợ đạt 1.199 tỷ đồng.   

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 371 khách hàng, dư nợ đạt 917 tỷ đồng, trong đó: 48 doanh nghiệp, dư nợ đạt 619 tỷ đồng; Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 323 trường hợp, dư nợ đạt 298 tỷ đồng.

Tin bài liên quan