Đến thời điểm này, nỗ lực nâng hạng thị trường có thêm bước tiến mới nào, thưa ông?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đặt mục tiêu TTCK Việt Nam phải được MSCI và FTSE nâng hạng từ “thị trường cận biên” lên “thị trường mới nổi”. Đây là hai tổ chức lớn nhất về xếp hạng thị trường, chuyên cung cấp các chỉ số thị trường toàn cầu được các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Theo đánh giá của MSCI, Việt Nam đang nằm trong nhóm các “thị trường cận biên” và tiến sát tới các “thị trường mới nổi”. Còn đối với FTSE, TTCK Việt Nam trên thực tế đã đạt đủ các tiêu chuẩn để nâng hạng lên “thị trường mới nổi cấp 2”.
Sau sự ra đời của TTCK Việt Nam, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ 2003, nhưng gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào nửa cuối năm 2008.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp này đã nhanh chóng ổn định trở lại và duy trì vào thuần lớn kể từ năm 2010 cho tới nay, do sự ổn định cùng với việc triển khai các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này.
Trong lĩnh vực chứng khoán, công tác hoàn thiện các văn bản pháp lý theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường, cũng đóng góp không nhỏ trong việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Ông Vũ Chí Dũng.
Bộ Tài chính đang nỗ lực nghiên cứu áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) nhằm nâng cao tính minh bạch trên TTCK Việt Nam. Mục tiêu của IFRS là cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng.
Áp dụng một bộ chuẩn mực phổ biến toàn thế giới sẽ đơn giản hóa các thủ tục kế toán thông qua việc sử dụng xuyên suốt một loại ngôn ngữ trong báo cáo của các công ty. Bộ chuẩn mực này cũng sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và các kiểm toán viên một cái nhìn toàn cảnh và rõ ràng về tài chính.
Nhờ những nỗ lực thời gian qua, vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng cải thiện lớn. Việc tăng cường cơ chế công bố thông tin, minh bạch thị trường của các doanh nghiệp niêm yết; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính bằng tiếng Anh... đang diễn ra khá tích cực. Đây là một trong những yếu tố để nhà đầu tư trong và ngoài nước tin rằng, việc TTCK Việt Nam tiến tới nâng hạng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Với sức hấp dẫn riêng của TTCK Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khi quy mô TTCK ngày càng tăng trưởng, chất lượng hàng hóa ngày càng được củng cố, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục duy trì khá, đồng thời nền tảng kinh tế vĩ mô được đánh giá tốt, chính sách điều hành linh hoạt và kiên định của Chính phủ trong ổn định lạm phát, tỷ giá, lãi suất, cùng với những giải pháp căn bản hướng tới sự phát triển bền vững của TTCK, sự thành công trong nâng hạng cho TTCK Việt Nam sẽ không còn xa.
Sự minh bạch và chất lượng quản trị của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng góp phần giúp TTCK Việt Nam sớm nâng hạng thành công. Ông nhìn nhận gì về nỗ lực, bước tiến của doanh nghiệp trong thời gian gần đây về hai nội dung này?
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp hàng đầu đa số là các công ty đã niêm yết. Bởi vậy, đa phần họ chịu sự điều chỉnh của các quy định về quản trị công ty theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, Thông tư 95/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 71/2017/NĐ-CP.
Các nguyên tắc quản trị công ty theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả; đối xử công bằng giữa các cổ đông; đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty; minh bạch trong hoạt động của công ty...
Tuy các doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh về quản trị công ty đều có cải thiện về điểm số một cách tích cực trong những năm gần đây, nhưng kết quả chấm điểm chung cho thấy, quản trị công ty mới đang ở giai đoạn đầu tại Việt Nam.
Trong phạm vi từng doanh nghiệp, mặc dù quản trị công ty đã được thực hiện ở mức độ cơ bản, những hiểu biết sâu hơn và phức tạp hơn về các thông lệ tốt về quản trị công ty nhìn chung vẫn thiếu.
Thêm vào đó, các bước cải tiến trong quản trị công ty dường như bắt đầu từ việc chấp hành hệ thống luật pháp, chứ không phải xuất phát một cách tự nguyện từ bản thân các công ty. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chỉ tập trung vào doanh thu, ít chú trọng đến quản trị công ty...
Theo ông, doanh nghiệp cần hợp sức với nhà quản lý về các nội dung cụ thể nào để nỗ lực nâng hạng thị trường sớm thành công?
Nhận thức những khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào TTCK Việt Nam, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực nâng hạng thị trường. Một trong những giải pháp mà doanh nghiệp cần thực hiện là nâng cao chất lượng quản trị công ty.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần tập trung vào nâng cao nhận thức về trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là các thành viên hội đồng quản trị về quản trị công ty thông qua tham gia các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ, đưa ra quy định bắt buộc về thời gian phải được đào tạo về quản trị công ty trong 1 năm, nâng cao chất lượng của các khóa đào tạo.
Chỉ khi hội đồng quản trị hiểu rõ và thực hiện đúng chức trách của mình một cách trung thực, thì các tiêu chí khác về quản trị công ty mới được thực thi tốt. Khi đó, quyền lợi của cổ đông và các bên liên quan được bảo đảm, đối xử bình đẳng.
Thứ hai, cải thiện quá trình ra quyết định, giảm chi phí vốn và tăng giá trị tài sản. Việc áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty tốt sẽ giúp các thành viên của ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, cổ đông của công ty có thể đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời và có đầy đủ thông tin hơn khi cơ cấu quản trị công ty cho phép họ hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình.
Quản trị công ty hiệu quả giúp tổ chức tốt hơn các quy trình kinh doanh của công ty, dẫn đến tăng hiệu suất hoạt động và giảm chi phí vốn.
Điều này góp phần nâng cao doanh số và lợi nhuận cùng với giảm thiểu chi phí và nhu cầu về vốn. Việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập được vào thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh, mang tính chọn lọc cao.
Thứ ba, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn. Cách thức quản trị công ty có thể là một trong những yếu tố quyết định việc công ty dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn hiệu quả hay không.
Những công ty có quản trị tốt thường thu hút được sự quan tâm của các cổ đông và nhà đầu tư hơn, dễ tạo dựng niềm tin với công chúng vào việc công ty có khả năng sinh lời mà không xâm phạm tới quyền lợi của cổ đông.
Thứ tư, công bố thông tin bằng tiếng Anh. Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thông tin của doanh nghiệp dễ dàng. Từ đó, họ thuận lợi trong nghiên cứu cụ thể và đầu tư vào các doanh nghiệp tiềm năng, đặc biệt là những doanh nghiệp quản trị công ty tốt.
Quản trị công ty tốt đóng vai trò quan trọng ở nhiều cấp độ. Ở cấp độ công ty, những doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản trị thường có khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn giá rẻ và đạt hiệu quả hoạt động cao hơn so với các công ty khác.
Nếu các công ty kiên trì theo đuổi các chuẩn mực của quản trị công ty tốt sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro trong các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Việc thực hiện tốt quản trị công ty sẽ làm tăng giá trị và hình ảnh của doanh nghiệp trong con mắt nhà đầu tư - những người sẵn sàng cung cấp vốn cho doanh nghiệp với mức chi phí hợp lý.