Việt Nam còn bị động
Tại diễn đàn, các chuyên gia đều chung nhận định, thiên tai, thảm họa đang là mối lo ngại hàng đầu mà các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương phải hứng chịu, gây ra thiệt hại ngày càng tăng cả về kinh tế và xã hội.
Điều này đặt ra cảnh báo cấp thiết về việc cần có sự đầu tư phòng chống và ứng phó với thảm họa thiên tai. Chỉ riêng trận động đất tại Nepal vào tháng 5/2015 đã gây hậu quả nặng nề đến hàng chục ngàn người.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 2 triệu người chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng và hạn hán kéo dài. Trong năm 2014, hơn 10 cơn bão ở nước ra đã cướp đi sinh mạng của 133 người, với tổng thiệt hại ước khoảng 2.830 tỷ đồng. Và gần đây nhất trận “siêu giông” tại Hà Nội vào ngày 13/6 gây thiệt hại tài sản lớn và cả nhân mạng.
Đánh giá về vấn đề này, ông Đoàn Văn Thái, Phó chủ tịch -Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, dường như chúng ta đang thiếu một sự chuẩn bị đầy đủ trong phòng chống thiên tai và đã đến lúc cần có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là các DN, bởi DN chính là một trong những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ những thảm họa thiên tai.
Đồng tình với nhận định này, các chuyên gia quốc tế tham gia diễn đàn cho rằng, Việt Nam còn bị động trong phòng chống thiên tai và cần có sự đầu tư thỏa đáng hơn nữa trong công tác này, trong đó dành sự đầu tư lớn hơn nữa cho bảo hiểm cơ sở vật chất, phòng vệ thiên tai - một lĩnh vực không sinh lời, nhưng lại mang lại sự an toàn chung cho không chỉ DN mà còn cả cộng đồng, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững trong hoạt động.
“Giống như một hãng đồ uống hay một công ty thiết kế thời trang nổi tiếng, thay vì chỉ chăm chăm vào quảng cáo sản phẩm, DN này đã có những động thái hướng tới việc phòng chống thiên tai. Đó mới là điểm cần làm để tạo nên một DN thực sự có ‘trái tim’”, chuyên gia CSR châu Á nói.
Cần chủ động tạo liên minh hợp tác
Tham gia diễn đàn, các chuyên gia đều đồng tình việc kêu gọi sự tham gia của cả mạng lưới, bao gồm lãnh đạo DN, các tổ chức phi chính phủ cùng các bên liên quan trên toàn khu vực châu Á -Thái Bình Dương, để từ đó hình thành các liên minh đối tác chiến lược trong phòng chống rủi ro thiên tai.
“Giờ không còn là lúc đặt vấn đề DN cần tham gia vào việc chuẩn bị ứng phó với rủi ro thiên tai nữa, mà là lúc phải làm thế nào để cùng hợp tác tốt nhất trong mô hình hợp tác chiến lược này. Hiệu quả tối ưu sẽ có khi năng lực của tất cả các bên được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Theo đó, DN sẽ đóng góp kiến thức chuyên môn, công nghệ, mạng lưới và khả năng đổi mới, giúp các bên phát huy tốt nhất mọi khả năng và thực hiện cam kết”, ông Richard Welford, Chủ tịch CSR châu Á nói, đồng thời chỉ ra 4 hình thức hợp tác đa chiều, trong đó có việc DN chủ động tham gia, hỗ trợ và mang lại giá trị cho công tác chuẩn bị ứng phó và khắc phục thảm họa thiên tai tại châu Á -Thái Bình Dương; cũng như đề xuất những hoạt động cụ thể nhằm tạo môi trường thuận lợi cho DN tham gia vào công tác phòng chống và khắc phục thảm họa thiên tai.
Lấy dẫn chứng mô hình hợp tác giữa tổ chức phát triển quốc tế Mercy Corps, tổ chức phi chính phủ địa phương mang tên Planet Finance Janpan và Liên hiệp Tài chính Nhật Bản bao gồm chuỗi ngân hàng Shinkin, đã hỗ trợ đẩy nhanh việc phục hồi cho các DN sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật năm 2011, ông Richard Welford cho rằng, không có lý do gì để khối DN Việt Nam hay DN của bất kỳ quốc gia nào đứng ngoài công cuộc phòng chống thảm họa và thiên tai này.
Vì thế, các chuyên gia đề xuất, chính phủ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần có chính sách thỏa đáng nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng DN trong phòng chống thiên tai, góp phần phát triển ổn định bền vững cho DN nói riêng, đất nước nói chung.
Tại Việt Nam, bắt đầu từ tháng 3/2015, Quỹ Prudence và Prudential Việt Nam đã triển khai dự án “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam”, nhằm giúp người dân ở nhiều vùng miền dễ bị tổn thương, ảnh hưởng thiên tai có những kỹ năng cơ bản để chủ động thích ứng và phòng tránh các sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra.