Chia sẻ thông tin cập nhật về lộ trình thực hiện CPTPP tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, 14/1/2019 là thời điểm CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Từ thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam sẽ không phải chịu các khoản thuế xuất nhập khẩu từ thị trường các nước thành viên đã phê chuẩn CPTPP.
“CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ tạo ra động lực dịch chuyển chuỗi cung ứng, vì trong chuỗi này, hoạt động xuất nhập khẩu hầu như không có rào cản. Nhờ đó, Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Ví dụ trường hợp của Samsung, trước đây chỉ có 1 doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, nhưng hiện tại, theo thông báo của tập đoàn này, sẽ có 200 doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp linh kiện. Đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Khanh khẳng định.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thuộc Học viện Tài chính, với CPTPP, Việt Nam có nhiều cơ hội trong xuất khẩu khi có thêm các thị trường thuế suất bằng 0, giảm thiểu rào cản thuế quan và phi thuế quan. Bên cạnh đó, việc tìm được nguồn nguyên vật liệu mới, ứng dụng khoa học nâng cao năng suất dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc nắm bắt và tận dụng cơ hội không phải bài toán đơn giản nếu doanh nghiệp đơn độc, tự mình giải quyết bởi chi phí tìm hiểu rất tốn kém.
“Việc doanh nghiệp tự đứng vững và cạnh tranh rất khó. Cho nên cần kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng, cũng như doanh nghiệp trong từng ngành hàng. Đây là điểm yếu mà nhiều năm qua chưa giải quyết được và rất cần khắc phục khi CPTPP đưa vào thực thi”, ông Thịnh khuyến cáo.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, dù khẳng định ngành hàng da giày túi xách là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi khá nhiều từ CPTPP, song bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam thừa nhận, việc có hiện thực hóa được các cơ hội này thành lợi ích hay không là một câu chuyện khác.
“Ngành da giày chủ yếu gia công xuất khẩu nên tính chủ động rất hạn chế. Chúng ta thụ động vì khách hàng tự tìm đến doanh nghiệp đặt hàng. Đây là điểm yếu. Do vậy, doanh nghiệp thiếu đi tầm nhìn hướng tới việc tận dụng được điều gì thông qua CPTPP hay đường đi nước bước khi Hiệp định thực thi trong 5 - 10 năm tới?”, bà Xuân nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, theo bà Xuân, với thị trường CPTPP hàng trăm triệu dân, Việt Nam mới đặt kim ngạch xuất khẩu chưa đến 10% là còn khiêm tốn.
“Chúng tôi mong muốn tăng mức kim ngạch này lên khoảng 20% trong một vài năm tới và điều này là khả thi, bởi hầu hết các dòng thuế với giày dép và túi xách đều giảm về 0%, tạo cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp sẽ tận dụng thế nào để được hưởng lợi ở mức cao nhất từ cơ hội này”, bà Xuân cho biết.
Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp, một khó khăn hiện nay năm ngoài khả năng giải quyết của các doanh nghiệp là việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic để hỗ trợ xuất khẩu.
“Cần xem lại cơ sở hạ tầng, logistics vì đây là yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng không tốt thì dù thị trường có mở rộng cũng không tận dụng được. Hiện tại, các cảng hàng không và cảng biển đều đang hoạt động hết công suất, nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới thì hệ thống này có thể đáp ứng được không?”, bà Xuân nói.
Cần cẩm nang cho doanh nghiệp về CPTPP
Ông Phạm Mạnh Cổn - Giám đốc Công ty Eltek Vietnam Co.ltd
Nên có cẩm nang cho doanh nghiệp về CPTPP, vì hiện nay, các doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin. Thông thường, ngay trong quá trình đàm phán Hiệp định, các thông tin đã phải được cung cấp cho doanh nghiệp để họ có sự chuẩn bị và bắt nhịp được ngay khi các cam kết có hiệu lực. Theo tôi, sự chuẩn bị của doanh nghiệp cho hội nhập vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt nam.
Trước đây, điều này cũng từng xảy ra khi Việt Nam tham gia WTO, khi doanh nghiệp chỉ đẩy mạnh được nhập khẩu, còn xuất khẩu phải 3 – 4 năm sau mới gia tăng. Nhập cuộc chậm nên dễ mất nhiều cơ hội. Tôi đề nghị Chính phủ hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ và bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn trong tìm hiểu và thực hiện CPTPP.