“Cách thức điều hành tỷ giá mới có nhiều ưu điểm”
Bùi Quốc Dũng
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Việt Nam
Theo cách thức điều hành tỷ giá mới áp dụng từ ngày 4/1/2016, thay vì cố định trong một thời gian dài như trước đây, NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày theo cả hai chiều lên xuống trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường liên ngân hàng trong nước, tỷ giá với các đối tác thương mại lớn trên thế giới và cân đối vĩ mô.
Bên cạnh đó, NHNN đã lần đầu tiên áp dụng giao dịch ngoại tệ phái sinh cho phép hủy ngang với các TCTD, qua đó không những bổ sung nguồn cung ngoại tệ vào giai đoạn cao điểm mà còn giúp định hướng kỳ vọng thị trường. Do đó, tỷ giá có thể phản ứng linh hoạt trước các biến động trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế, mà vẫn có vai trò quản lý của Nhà nước.
Ngày 4/1/2016, ngày đầu tiên áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, mặc dù thị trường quốc tế có biến động như thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa tạm thời do giảm điểm mạnh, đồng CNY giảm giá 0,6%, đồng Won Hàn Quốc giảm 1,2%, đô-la Singapore giảm 0,44% so với giá đóng cửa ngày 31/12/2015, nhưng khác với xu hướng tỷ giá thường kịch trần mỗi khi trên thị trường quốc tế có những biến động tương tự trong giai đoạn trước đây, tỷ giá liên ngân hàng vẫn tương đối ổn định quanh mức 22.500-22.550 VND/USD.
Sang ngày 5/1/2016, mặc dù thị trường quốc tế vẫn còn diễn biến bất lợi, tỷ giá trung tâm USD/VND tăng 11 đồng lên 21.907 VND/USD, nhưng tỷ giá liên ngân hàng lại giảm khoảng 40 VND/USD về quanh mức 22.470-22.475 VND/USD vào buổi chiều, cho thấy ưu điểm của cách thức điều hành tỷ giá mới trong việc đối phó với các cú sốc từ bên ngoài.
“DN nên chủ động tự bảo vệ, thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN”
Phạm Hồng Hải
Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam
NHNN đã đúng đắn khi chuyển qua cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn trong năm 2016. Dựa trên cung cầu thị trường, Trung Quốc đã chuyển qua cơ chế tỷ giá linh hoạt hồi tháng 8. Tỷ giá các đồng tiền của các thị trường mới nổi cạnh tranh trực tiếp về xuất khẩu với Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong năm 2016.
Do đó, cơ chế tỷ giá linh hoạt của NHNN sẽ giúp giảm áp lực tích tụ quá lâu, tạo sự thông thoáng trên thị trường ngoại hối. Khi tỷ giá thay đổi theo biên độ nhỏ hàng ngày, bản thân người dân và DN cũng sẽ quen với việc tỷ giá biến động và chủ động hơn trong việc phòng chống rủi ro tỷ giá.
Trước đợt biến động tỷ giá tháng 8/2015, có đến 90% DN nhập khẩu không bảo hiểm tỷ giá, số 10% còn lại là các công ty đa quốc gia, sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá theo chính sách chung của tập đoàn. Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực. Các hợp đồng bảo hiểm tỷ giá của các DN Việt Nam thường rất ngắn hạn, khoảng hơn 80% hợp đồng có thời hạn dưới ba tháng.
Các DN thường bỏ qua việc bảo hiểm cho các nghĩa vụ thanh toán dài hạn, chẳng hạn như các khoản vay USD trung và dài hạn ở nước ngoài. Đến khi thị trường biến động mạnh thì DN mới tham gia vào các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro dài hạn như Hoán đổi Tiền tệ chéo (CCS)... Lúc đó, chi phí để bảo hiểm đã tăng rất cao so với lúc thị trường còn đang ổn định.
Lời khuyên của tôi là các DN nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai, chủ động tự bảo vệ thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN.
Quản trị rủi ro tỷ giá sẽ giúp ổn định dòng tiền của DN. Điều này sẽ giúp DN tập trung vào mảng kinh doanh chính, thay vì đầu cơ kinh doanh tỷ giá, một lĩnh vực DN không có nhiều thông tin và chuyên môn.
“Các DN và TCTD có thể chủ động hơn”
Lê Đức Thọ
Tổng giám đốc VietinBank
Việc đổi mới trong cách thức điều hành tỷ giá lần này của NHNN giúp các DN và TCTD có thể chủ động hơn nhiều so với cơ chế điều hành tỷ giá trước đây trong việc quyết định các hoạt động kinh doanh liên quan đến ngoại tệ.
Theo đó, nhu cầu mua bán ngoại tệ không chỉ thoả mãn bởi phương thức giao dịch giao ngay, mà có thể thực hiện thông qua phương thức giao dịch có kỳ hạn, cũng như các sản phẩm phái sinh khác, nên áp lực mua bán ngoại tệ tại một hoặc một số thời điểm nào đó sẽ được giảm đáng kể.
Trong ngày đầu tiên vận hành cơ chế mới, ở góc độ NHTM, chúng tôi thấy rằng, thị trường đón nhận tích cực, lượng ngoại tệ giao dịch thông suốt, thanh khoản tốt, tỷ giá trong biên độ NHNN quản lý, thấp hơn khá lớn so với mức trần quy định theo cơ chế mới này. Tại VietinBank, các khách hàng cũng hết sức phấn khởi khi thấy cơ chế này tạo ra sự linh hoạt cần thiết, đồng thời tránh được tâm lý ỷ lại của một số DN hay TCTD nào đó vào cơ chế tỷ giá có tính cố định hoặc thiếu sự linh hoạt cần thiết.
“Hạn chế việc đầu cơ tỷ giá”
Nguyễn Thị Phượng
Phó tổng giám đốc Agribank
Chúng tôi đánh giá rất cao sự thay đổi của NHNN bởi đã làm thay đổi căn bản hoạt động của ngân hàng, vì ngoài theo sát diễn biến thị trường còn phải bám sát diễn biến vĩ mô, giao dịch thị trường cũng như diễn biến các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt là phiên đóng cửa gần nhất.
Dù được áp dụng đã lâu, nhưng với cách điều hành tỷ giá mới, DN sẽ quen với các sản phẩm phái sinh hơn so với trước đây. Đặc biệt, cơ chế mới sẽ hạn chế việc đầu cơ tỷ giá, găm giữ và tạo tâm lý thị trường vì biện pháp điều hành này khá sát với nhu cầu thực tế, sẽ làm hạn chế nhu cầu đầu cơ.
Agribank cũng đã có biện pháp điều hành sát với thị trường, nhưng diễn biến khi điều hành theo cách thức mới thì tỷ giá của Ngân hàng còn thấp khá xa so với trần biên độ của NHNN quy định. Agribank sẵn sàng phục vụ cho tất cả giao dịch, không từ chối bất kỳ nhu cầu hợp pháp nào của khách hàng. Theo đó, Ngân hàng sẽ có sự chuẩn bị và phân tích trong số khách hàng của mình nhu cầu mua bán, trả nợ, tín dụng ngoại tệ và lượng hóa được nhu cầu đó của khách hàng.