Lo niềm vui ngắn chẳng tày gang
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy, doanh thu trong kỳ xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 346,1 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Giá bán tăng là nguyên nhân chính giúp VHC đạt kết quả lợi nhuận đột biến trong quý đầu năm.
Khởi đầu tích cực là vậy, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức cuối tháng 4/2019, lãnh đạo VHC trình đại hội kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 1.255 tỷ đồng, giảm 13%, dù kế hoạch doanh thu tăng 8,4% so với năm 2018. Kế hoạch này đã được đại hội thông qua.
Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra khác cũng lên kế hoạch kinh doanh cả năm thận trọng như Công ty cổ phần Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (AAM), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI).
Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông ACL đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu doanh thu 1.600 tỷ đồng, giảm 5%; lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018. Tại ABT, kế hoạch lợi nhuận trước thế năm 2019 là 50 tỷ đồng, tương đương 2/3 mức thực hiện năm 2018, dù kế hoạch doanh thu tăng 1%. Với IDI, kế hoạch lợi nhuận năm nay chỉ tăng 1% so với năm ngoái.
Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp đều đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu năm. Báo cáo tài chính của ACL cho biết, doanh thu quý I/2019 tăng 34,3%, lợi nhuận trước thuế gấp 9 lần quý I/2018 (lần lượt bằng 27,8% và 30% kế hoạch năm). ABT có doanh thu quý I/2019 tăng 13,5%, lợi nhuận trước thuế tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018 (lần lượt bằng 25,6% và 26% kế hoạch năm).
IDI là trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiếm hoi có lợi nhuận suy giảm, nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng của lợi nhuận tài chính, còn doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt tăng 41,5% và 12,1% trong quý đầu năm.
Ở góc độ kỳ vọng tích cực, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), đơn vị xuất khẩu cá tra lớn thứ hai cả nước sau Vĩnh Hoàn, dự kiến doanh thu, lợi nhuận năm 2019 tăng trưởng lần lượt 20,9% và 15,9% so với năm 2018. Kế hoạch này sẽ được ANV trình Đại hội đồng cổ đông ngày 17/5 tới. Trong quý I/2019, doanh thu thuần của ANV tăng 11,4% và lợi nhuận trước thuế tăng 163% so với quý I/2018.
Với Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) và công ty con là Công ty cổ phần Xuất khẩu thủy sản An Giang (AGF), đây là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thuế chống bán phá giá, trong khi chi phí tài chính và nợ xấu đang đè nặng lên kết quả kinh doanh.
Nửa đầu niên độ tài chính 2018 - 2019 (1/10/2018 - 31/3/2019), doanh thu thuần của HVG giảm 47% so với cùng kỳ niên độ trước do không còn hợp nhất với nhiều công ty con đã thoái vốn. Trong đó, doanh thu xuất khẩu giảm 60%, doanh thu nội địa giảm 36%. Lãi trước thuế đạt 28,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 313,4 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giá vốn và các chi phí hoạt động giảm mạnh.
Lưu ý, HVG có lịch sử số liệu trong báo cáo tài chính tự lập và sau khi kiểm toán soát xét thường chênh lệch khá lớn, do vậy cần chờ báo cáo soát xét để có số liệu chính xác. Sau những nỗ lực tái cơ cấu, bán đi một số mảng kinh doanh để giải quyết bài toán mất cân đối tài chính, trong niên độ 2018 - 2019, HVG dự kiến đạt doanh thu 4.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 100 tỷ đồng.
Còn AGF đặt kế hoạch xuất khẩu 12.000 tấn cá tra File trong niên độ tài chính 2018 - 2019 (1/10/2018 - 30/9/2019), giảm 13,3% so với niên độ trước; sản lượng tiêu thụ nội địa kỳ vọng sẽ tăng 5,5%, bù đắp phần nào cho xuất khẩu giảm; kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 30 tỷ đồng.
Triển vọng ngành năm 2019: Phân hóa
Năm 2018 được xem là năm thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang với việc áp thuế qua lại giữa hai bên khiến đơn hàng thủy sản có xu hướng dịch chuyển sang các nước trung gian, trong đó có Việt Nam. Tại Mỹ, kết quả rà soát sơ bộ thuế chống bán phá giá cá tra khả quan hơn dự kiến, cùng nhu cầu tiêu thụ tăng, giá bán tăng, giúp doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bứt phá.
Năm 2019, đâu là lý do khiến các doanh nghiệp thận trọng với kế hoạch kinh doanh? Cuối tháng 4/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) thuế chống bán phá giá đối với các lô hàng cá tra Việt Nam (giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017) với thuế chính thức cao hơn nhiều kết quả sơ bộ công bố tháng 9/2018.
Thông tin này được đánh giá sẽ tác động mạnh đến một số doanh nghiệp có Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ đạo, chẳng hạn HVG sẽ phải chịu mức thuế 3,87 USD/kg so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ. Tuy vậy, không phải phải mọi doanh nghiệp cá tra đều chịu bất lợi như nhau.
VHC cũng có thị trường xuất khẩu chủ đạo là Mỹ, nhưng vẫn đang được hưởng thuế suất 0%. Việc các doanh nghiệp khác chịu mức thuế cao có thể trở thành yếu tố có lợi, giúp VHC có cơ hội thu về đơn hàng tốt hơn. Với ABT, doanh nghiệp này không xuất sang Mỹ, mà thị trường chủ đạo là Nhật Bản và châu Âu. Với ANV, thị trường chủ đạo là Nam Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Đông Nam Á, những thị trường này có số lượng đơn hàng xuất khẩu đang tăng.
Chẳng hạn, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và EU trong năm 2018. Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết, 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang ASEAN tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 55,17 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Thái Lan tăng 6,5%, Philippines tăng 40,6%, Malaysia tăng 70,9%…
Trước đó, thống kê xuất khẩu cá tra trong 2 tháng đầu năm 2019 tại thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU cho thấy các tín hiệu khả quan. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái (mức tăng trưởng tại thị trường Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ lần lượt là 66%, 21,7%, 102,5%, 123,3%).
Diễn biến giá cá nguyên liệu, cá giống, giá xuất khẩu và chi phí sản xuất cá nguyên liệu.
Tình hình xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tốt hơn nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết. Khi đó, thuế nhập khẩu sẽ giảm từ mức 5,5% hiện tại xuống 0% trong 3 năm đối với cá philê đông lạnh và từ 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá philê đã chế biến.
Trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu sang các thị trường nhìn chung vẫn tích cực, yếu tố khiến các doanh nghiệp thận trọng là giá bán có dấu hiệu giảm.
Theo báo cáo triển vọng ngành 2019 của Công ty Chứng khoán BSC công bố cuối tháng 4/2019, trong năm 2018, nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ ở mức cao khiến giá xuất khẩu cá tra tăng trung bình 30 - 35%. Năm 2019, BSC nhận định, giá bán ở mức đỉnh lịch sử và không con nhiều dư địa tăng trưởng, trong khi nguồn cung cá tra mở rộng (mở rộng vùng nuôi, tăng công suất nhà máy) sẽ tạo áp lực đến việc giảm giá sản phẩm. Dư địa tăng giá không còn sẽ khiến các doanh nghiệp khó có thể kỳ vọng tăng trưởng đột biến như năm qua.
Số liệu cập nhật của Agromonitor cho biết, giá cá tra nguyên liệu size 700 - 900 gr mua tại ao, hồ ở các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp thuộc Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4/2019 dao động quanh mức 24.000 đồng/kg, giảm so với mức 29.000 - 30.000 đồng/kg đầu năm.
Tại một hội nghị ngành cá tra tổ chức đầu năm 2019, một lãnh đạo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam cảnh báo, doanh nghiệp Trung Quốc cần thì họ mua cá với giá rất cao. Đến một lúc nào đó, họ phối hợp áp giá rất thấp hoặc thị trường ngưng trệ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó. Giá giảm, cả người nuôi và doanh nghiệp sẽ cùng chịu thiệt.
Trong quá khứ, không ít lần giá cá tra tăng cao, giúp các doanh nghiệp thu về lợi nhuận đột biến, nhưng sau đó giá cá đột ngột giảm mạnh, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm.