Nhà màng nông nghiệp thông minh của Trang trại Nắng và Gió (GC Food) Ninh Thuận

Nhà màng nông nghiệp thông minh của Trang trại Nắng và Gió (GC Food) Ninh Thuận

Doanh nghiệp bắt tay trường đại học ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Đây là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà. Đặc biệt, việc tăng cường cơ chế hợp tác liên kết sẽ khắc phục được những hạn chế và phát huy những tiềm năng một cách hiệu quả.

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%...).

Nhằm mục đích nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh và quản lý, Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) vừa hợp tác Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM (UEL) nghiên cứu và tư vấn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm soát chất lượng và nâng cao năng suất các loại nông sản được trồng với tiêu chuẩn Global Gap thông qua ứng dụng Internet vạn vật (IoTs) và trí tuệ nhân tạo.

Đại diện các đơn vị tại buổi lễ ký kết hợp tác

Đại diện các đơn vị tại buổi lễ ký kết hợp tác

Đồng thời, UEL sẽ tư vấn triển khai hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, hoạt động đào tạo trực tuyến cho nhân viên, người nông dân và các đối tác trong chuỗi giá trị của Công ty GC Food.

Theo đó, GC Food sẽ tài trợ cho Trường Đại học Kinh tế - Luật đầu tư lắp đặt 02 nhà màng trị giá 250 triệu đồng, cung cấp giống cây trồng cùng các thiết bị IoTs, hệ thống điều khiển tự động và kinh phí để giảng viên và sinh viên nghiên cứu các công nghệ, thí nghiệm ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.

GC Food sẽ tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Luật trong việc tham quan, tìm hiểu, thực tậptại các nhà máy – nông trại nông nghiệp công nghệ cao của GC Food, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp.

Chương trình giúp sinh viên nắm rõ kiến thức và cơ hội tham gia vào dự án nghiên cứu, ứng dụng kiến thức được đào tạo vào quy trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, trong đó nâng cao kiến thức và kỹ năng thực tế để phát triển nông nghiệp thông minh xác dựa trên nền tảng dữ liệu, ứng dụng IoTs và trí tuệ nhân tạo.

GC Food là doanh nghiệp với 5 công ty con thành viên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, trồng trọt, sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Với doanh thu năm 2019 hơn 200 tỷ đồng từ thị trường trong nước và xuất khẩu, GC Food đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng nhằm phát triển kinh tế - kỹ thuật nông sản thực phẩm tại các địa phương Đồng Nai và Ninh Thuận.

Cùng ngày, cũng diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trường Đại học Kinh tế - Luật là thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM với Công ty TNHH ABEO Vietnam trong hợp tác đào tạo SAP ERP với nhà trường.

Theo đó, Trường Đại học Kinh tế - Luật là thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM, với thế mạnh liên ngành trường đã tổ chứcđào tạo các ngành học như Hệ thống thông tin quản lý, Thương mại điện tử, Kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo tại Khoa Hệ thống thông tin. Các chương trình đào tạo này đều được đồng hành bởi các đơn vị hàng đầu như VECOM, SAP, Global Cybersoft, VinTech City, Haravan, TMA Solutions, các công ty BIG 4 và nhiều doanh nghiệp khác.

Việc hợp tác nghiên cứu ứng dụng giữa doanh nghiệp và trường đại học để giải quyết vấn đề chuyển đổi số của doanh nghiệp và nâng cao năng lực nghiên cứu đào tạo của cơ sở giáo dục là một xu hướng tất yếu trong cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Đây chính là một trong những hoạt động trọng tâm trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp mà Trường Đại học Kinh tế - Luật đang hướng tới.

Đặc biệt, mô hình lớp học thông minh đã được Khoa Hệ thống thông tin phát triển đã hoàn thiện bước đầu để tiếp tục kết nối với mô hình nhà màng trồng trọt thông minh, tạo thành chuỗi sản xuất thông minh cho doanh nghiệp và phòng thí nghiệm thực tế cho chính sinh viên đang theo học tại Trường.

Trường Đại học Kinh tế - Luật tiên phong nắm bắt xu thế công nghệ 4.0 đưa vào đào tạo những ngành học mang tính ứng dụng cao như Công nghệ tài chính - Fintech, Thương mại điện tử, Kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo... đáp ứng được nhu cầu lao động của doanh nghiệp, trở thành những ngành thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Tin bài liên quan