Doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc trỗi dậy

Doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc trỗi dậy

(ĐTCK) Tháng 9/2018, nhà phát triển bất động sản lớn thứ ba Trung Quốc đặt ra một mục tiêu khiến cả thị trường “lạnh xương sống”…

Theo đó, Yu Liang, Chủ tịch Vanke Co - doanh nghiệp bất động sản đình đám Trung Quốc cho biết, mục tiêu trong 3 năm tới của Công ty là “có thể sống sót”. Thông tin này được đưa ra khi cả thị trường bất động sản lao đao bởi các chính sách hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính của giới chức nước này.

Vậy nhưng 6 tháng sau, tình hình đã hoàn toàn khác biệt, khi các nhà phát triển bất động sản hưng thịnh trở lại. Kể từ đầu năm 2019 tới nay, Vanke đã bán được hơn 70% trong số 126 căn hộ hạng sang hiện đang sở hữu tại dự án mới ra mắt ở Thượng Hải. Các căn hộ này có giá từ 25 - 35 triệu nhân dân tệ (3,7 - 5,2 triệu USD). Chỉ riêng điều này đã cho thấy, nhu cầu của khách hàng luôn hiện hữu và sự tự tin chi tiêu đã quay trở lại.

Theo ước tính của Credit Suisse Group AG, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết tại TTCK Trung Quốc sẽ tăng khoảng 18% trong năm nay.

Đáng chú ý, các nhà phát triển bất động sản một lần nữa có thể tiếp tục huy động vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu.

Mới đây, Yuzhou Properties, một công ty bất động sản nhỏ đã được giới chức Trung Quốc chấp thuận cho phát hành trái phiếu với giá trị 3,5 tỷ nhân dân tệ, sau 2 năm giới hạn hoạt động này đối với tất cả các doanh nghiệp bất động sản.

Các nhà quan sát thị trường nhận định, sở dĩ doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc nhanh chóng hồi phục hoạt động là nhờ các chính sách của họ đã trở nên khôn ngoan hơn, vững chắc hơn. Larry Hu, nhà kinh tế tại Macquarie Bank nhận định, các công ty bất động sản đang đẩy nhanh hơn vòng quay tiền mặt và kết quả là doanh nghiệp đang sở hữu dòng vốn tốt hơn.

Năm ngoái, nguồn tiền đi vào hoạt động, bao gồm các khoản vay bất động sản và tiền ứng trước từ khách hàng chiếm tới 48% tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Bởi trước đó, các công ty thuộc lĩnh vực này vẫn phụ thuộc rất lớn vào khoản vay ngân hàng và tự gây quỹ (tiền mặt tự có, huy động vốn từ thị trường tài chính ngầm…).

Chưa kể, thái độ của các nhà phát triển bất động sản cũng thay đổi. Sunac China Holdings Ltd vừa công bố báo cáo tài chính, với lợi nhuận tăng 50% trong năm ngoái, vậy nhưng nhà sáng lập Sun Hongbin vẫn duy trì cái nhìn thận trọng đối với thị trường. Không riêng Sunac, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc hiện đã chọn hướng đi bền vững, điềm đạm hơn, thay vì mở rộng một cách ồ ạt như cách đây 2 năm. Năm 2018, các thương vụ mua đất mới chỉ chiếm khoảng 42% số thương vụ trên thị trường bất động sản, so với tỷ lệ 72% năm 2017.

Dù vậy, mối lo ngại về các doanh nghiệp bất động sản không hẳn đã biến mất, nhất là khi các công ty này “nổi tiếng” bởi cách làm việc thiếu thận trọng và sẵn sàng vung tiền của nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực rủi ro. Chẳng hạn, tháng 1/2019, China Evergrande Group, tên tuổi bất động sản hàng đầu Đại lục, đã phát hành trái phiếu huy động 3 tỷ USD để đầu tư vào việc sản xuất xe điện, thậm chí là dự án chăm sóc thú cưng của Hui Ka Yan, Chủ tịch Công ty.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan