Thông tin không còn mới, đã được Vingroup công bố vào những ngày đầu tháng 12/2016, nhưng vẫn gây xôn xao dư luận cho đến tận bây giờ. Đó là Vingroup sẽ đầu tư xây dựng chuỗi nhà ở có thương hiệu VinCity với giá sản phẩm chỉ từ 700 triệu đồng/căn. Mục tiêu cụ thể mà tập đoàn này đặt ra là sẽ xây dựng khoảng 200.000 - 300.000 căn ở 7 tỉnh, thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, trong 5 năm tới.
Thông tin ngay lập được đông đảo người dân quan tâm. Bởi trước nay, ai cũng biết, Vingroup chỉ tập trung cho phân khúc cao cấp, giờ họ chuyển sang đầu tư vào phân khúc bình dân, không biết sẽ đầu tư thế nào và liệu các nhà đầu tư vốn thành danh trong phân khúc này sẽ cạnh tranh ra sao.
Trên thực tế, thị trường bất động sản bấy lâu nay phân định khá rõ ràng. Phân khúc cao cấp đã được định danh cho Vingroup, Tân Hoàng Minh, SunGroup, Bitexco, Novaland... Phân khúc tầm trung có thể kể để hàng loạt nhà đầu tư như MIK, Him Lam, Khang Điền... Ở phân khúc thấp hơn, có Mường Thanh và Nam Long rất nổi bật...
Tuy nhiên, trước nhu cầu của thị trường, các chủ đầu tư đã bắt đầu rục rịch thay đổi chiến lược của mình. Vingroup là ví dụ điển hình. Sungroup bên cạnh việc xây dựng các khu căn hộ cao cấp ở Hà Nội, cũng phát triển các dự án tầm trung ở Đà Nẵng. Ngay cả Tân Hoàng Minh, sau một thời gian nhất nhất chỉ đầu tư các căn hộ siêu sang, cũng đã bắt đầu hướng đến các đối tượng khách hạng bình dân hơn bằng các dự án căn hộ có diện tích nhỏ hơn, đầu tư nội thất cũng bớt phần xa xỉ đi... Nói vậy để thấy, trong thời hội nhập, để cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải rất khôn ngoan trong lựa chọn phân khúc thị trường cho mình. Chọn đúng thị trường, doanh nghiệp sẽ thắng và ngược lại.
Cũng chính vì điều đó, không ít doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn đang loay hoay lựa chọn chiến lược kinh doanh cho mình. Câu chuyện ở một doanh nghiệp bất động sản kia là một ví dụ. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã gặt hái được nhiều thành công khi triển khai đầu tư một số dự án khu đô thị tại các tỉnh, thành phố. Nhận thấy, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn có nhiều tiềm năng, nhu cầu sinh sống của người dân tại các khu đô thị đang tăng, trong khi doanh nghiệp lại có khả năng huy động thêm vốn để mở rộng và phát triển thêm nhiều dự án mới, nên CEO (cũng là một cổ đông) và các cổ đông khác đã quyết định, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển thêm các dự án khu đô thị nhằm nắm bắt các cơ hội đang có.
Tuy nhiên, mâu thuẫn đã bắt đầu nảy sinh khi giữa CEO và các cổ đông đã có những quan điểm trái ngược về việc lựa chọn thị trường: Trong khi CEO cho rằng, doanh nghiệp nên đầu tư xây dựng đô thị tại các khu đất vàng ở các thành phố trực thuộc các tỉnh, để biến mỗi thành phố này trở thành một nơi đáng sống, thì các cổ đông lại khăng khăng lựa chọn phương án mà hiện nay, đa số các công ty đầu tư bất động sản đang làm, đó là tại các thành phố lớn.
Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình. CEO lo lắng, triển khai dự án ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn, đặc biệt về tài chính, doanh nghiệp không dễ đủ nguồn lực để cạnh tranh. Trong khi đó, nếu triển khai ở các tỉnh, chi phí đầu tư sẽ không quá lớn, các đối thủ không quá nhiều và mạnh, lại có thể được các ưu đãi từ địa phương nhằm thu hút đầu tư, nên cơ hội thành công sẽ cao hơn.
Các cổ đông vẫn phản đối quyết liệt vì cho rằng, mặc dù đã gặt hái được một số thành công bước đầu khi triển khai các dự án ở các tỉnh, nhưng qua quá trình triển khai đã thấy, do mật độ dân cư ở tỉnh không đông, mức thu nhập thấp hơn thành phố, lại không có thói quen sống trong khu đô thị tập trung, nên nhu cầu mua nhà ở đây không cao. Nếu tiếp tục xây dựng các dự án khu đô thị mới tại các địa phương, sẽ khiến khả năng thanh khoản và lợi nhuận của dự án thấp hơn so với ở thành phố lớn.
Thực ra, đây không chỉ là tình huống xảy ra với doanh nghiệp bất động sản nói trên, mà còn ở nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chọn lối đi nào là câu chuyện không hề đơn giản, bởi nó quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Để giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong giải quyết tình huống của mình, Chương trình CEO - Chìa khoá thành công kỳ này, với chủ đề “Cạnh tranh thời hội nhập - Lựa chọn thị trường” đã lấy đúng tình huống trên để làm “bài toán” cho Chương trình.
Người chơi ngồi ở vị trí CEO chính là bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt. Đây cũng là vị doanh nhân sẽ xuất hiện trên chuyên mục Gương mặt doanh nhân của Báo Đầu tư số này.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.