Novaland vẫn đang trên chặng đường tái cấu trúc nợ

Novaland vẫn đang trên chặng đường tái cấu trúc nợ

Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực thu xếp nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để có bước chuyển thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã và đang rốt ráo trả nợ trái phiếu nhằm giảm áp lực lãi vay, thông qua huy động nguồn vốn mới từ các nguồn khác nhau, bao gồm trái phiếu mới.

Xoay vốn để đảo nợ

Bước vào chu kỳ mới của thị trường bất động sản, Novaland (mã NVL) vẫn đang tăng tốc quá trình tái cấu trúc với trọng tâm là cơ cấu lại các khoản nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu. Công ty đang triển khai song song hai giải pháp chuyển đổi nợ trái phiếu thành cổ phiếu và thu xếp dòng tiền để mua lại trái phiếu trước hạn.

Cụ thể, với lô trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD được phát hành năm 2021, Novaland đã thông qua mức giá chuyển đổi là 36.000 đồng/cổ phiếu, tỷ giá cố định tại thời điểm chuyển đổi là 24.960 VND/USD và có thể điều chỉnh theo các điều kiện liên quan.

Gói trái phiếu này không có tài sản đảm bảo, thời gian đáo hạn ban đầu là năm 2026, được quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Giá chuyển đổi ban đầu là 135.700 đồng/cổ phiếu - cao hơn 15% giá đóng cửa của cổ phiếu NVL tại ngày chào bán trái phiếu và tỷ lệ thực hiện quyền chuyển đổi là 33.916 cổ phiếu/trái phiếu.

Tuy nhiên, tháng 12/2023, sau khi xảy ra một số vi phạm điều khoản, Novaland đã đàm phán thành công với các trái chủ, gia hạn thời điểm đáo hạn trái phiếu đến ngày 30/6/2027, đồng thời điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi.

Ở góc độ khác, Novaland dự kiến mua lại trước hạn tối đa 7.000 tỷ đồng đối với 21 lô trái phiếu được phát hành từ năm 2020. Các trái phiếu này có thời hạn 60 tháng (đã được gia hạn 2 lần, từ 36 tháng ban đầu), đến tháng 6/2025 bắt đầu đến hạn thanh toán gốc. Một phần trái phiếu đang bị quá hạn thanh toán lãi. Dự kiến, đến ngày 30/1/2025, doanh nghiệp sẽ thoả thuận với người sở hữu trái phiếu để mua lại với giá bằng 100% mệnh giá, cộng với tiền lãi phát sinh tính đến ngày mua lại trước hạn.

Tương tự, Tập đoàn Nam Long trong năm 2024 đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu để mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu, với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng phát hành năm 2022. Lô trái phiếu mới được phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo là hơn 78,6 triệu cổ phiếu công ty con là Công ty cổ phần Nam Long VCD.

Báo cáo mới đây của VIS Rating về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, 85% nợ gốc trái phiếu chậm trả được hoàn trả trong tháng 12/2024 đến từ các tổ chức phát hành nhóm bất động sản nhà ở, với tổng giá trị gốc là 2.300 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của nhóm ngành này tăng 1,4%, lên mức 22,7% vào cuối tháng 12/2024.

Mặc dù vậy, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn ở mức khá trầm lắng, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp bất động sản. Các lô trái phiếu phát hành mới thường thuộc các doanh nghiệp có uy tín, có tài sản đảm bảo và pháp lý dự án rõ ràng.

Vì thế, thay vì phụ thuộc vào một số nguồn vốn cố định, các doanh nghiệp bắt đầu lựa chọn hướng đi đa dạng hơn như tìm kiếm vốn từ phát hành cổ phiếu, hợp tác phát triển với các nhà đầu tư nước ngoài, bán vốn cổ phần tại dự án...

Chẳng hạn, tại Nam Long, cùng với kênh trái phiếu, doanh nghiệp đang trong quá trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2025.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Phát Đạt đang triển khai kế hoạch phát hành hơn 34 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 30 triệu USD. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ Phát Đạt sẽ được nâng từ 8.731 tỷ đồng lên 9.072 tỷ đồng và ACA Vietnam Real Estate III LP sẽ sở hữu 3,76% vốn điều lệ Công ty.

Khoản nợ 30 triệu USD được Phát Đạt vay từ ACA Vietnam Real Estate III LP (Cayman Island) vào tháng 3/2022, lãi suất cố định 8%/năm và không có tài sản đảm bảo. Mục đích vay để đầu tư cho dự án Phước Hải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Doanh nghiệp chờ vốn, vốn chờ dự án

Thay vì phụ thuộc vào một số nguồn vốn cố định, các doanh nghiệp bắt đầu lựa chọn hướng đi đa dạng hơn như tìm kiếm vốn từ phát hành cổ phiếu, hợp tác phát triển với các nhà đầu tư nước ngoài, bán vốn cổ phần tại dự án...

Sau giai đoạn hạn chế đầu tư mới để tập trung tái cấu trúc, xử lý nghĩa vụ tài chính và quan sát tình hình thị trường, một số doanh nghiệp bắt đầu đưa trạng thái tài chính về mức an toàn, đồng thời khởi động trở lại hoạt động triển khai và ra mắt các dự án mới.

Gần đây, Phát Đạt công bố đã giải ngân hơn 1.100 tỷ đồng, tương đương 84% số tiền thu được từ đợt chào bán hơn 134 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hồi tháng 6/2024. Tiền được rót vào các dự án Nhơn Hội (phân khu số 2 và 9), Quy Nhơn Iconic, Q1 Tower - Ngô Mây, Tổ hợp dự án Thuận An 1 & 2…

Phát Đạt cho biết, doanh thu từ đợt bán hàng đầu tiên tại dự án Quy Nhơn Iconic ước tính đạt 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2024. Ngoài ra, dự án Q1 Tower - Ngô Mây và Tổ hợp Thuận An 1 & 2 dự kiến sẽ được mở bán trong năm nay.

Theo ông Lưu Quang Tiến, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, năm 2024 - 2025 là giai đoạn thị trường bước vào quá trình tích lũy và chuẩn bị. Các tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn kỳ vọng sẽ xuất hiện từ năm 2026, được trợ lực từ nền kinh tế, các cơ chế pháp lý hoàn thiện hơn và niềm tin của thị trường được khôi phục, đặc biệt là nhu cầu mua bất động sản.

Trong năm 2024 có 29 dự án được khởi công xây dựng, 69 dự án được tổ chức kick off (khởi động) và 93 sự kiện mở bán trên cả nước; riêng quý IV có 48 sự kiện mở bán, chiếm hơn 50% số lượng sự kiện mở bán trong năm.

Các chuyên gia nhìn nhận, đến thời điểm hiện tại, dù khó khăn chung của thị trường về cơ bản đã qua, nhưng ngoại trừ một số ít doanh nghiệp quy mô lớn, quỹ đất sạch, pháp lý rõ ràng và cân đối được tài chính có thể tận dụng đà phục hồi của thị trường để tăng tốc, còn lại vẫn đang trong tư thế chờ đợi, nhất là các dự án chờ được gỡ vướng pháp lý.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM chia sẻ, sau khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc nợ, công ty đang trong giai đoạn đàm phán với các ngân hàng về các khoản vay mới để triển khai kế hoạch trong năm nay. Mặc dù biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết, song việc giải ngân vẫn còn nhiều trở ngại, chủ yếu do các vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết triệt để.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, TP.HCM có 86 dự án nhà ở thương mại đang ngừng thi công hoặc chưa được triển khai. Những dự án này chủ yếu vướng mắc về pháp lý và đang chờ được giải quyết. Tuy nhiên, do đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chúng được xếp vào diện “tồn kho”.

“Các dự án bị đình trệ càng lâu, doanh nghiệp càng gặp khó khăn về dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp đã vay vốn để trang trải chi phí tạo lập dự án ban đầu, nhưng khi dự án không triển khai được, họ vẫn phải trả lãi vay, dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài chính mà không có sản phẩm để bán”, ông Châu nói và nhận định, khi các vướng mắc được tháo gỡ, doanh nghiệp vẫn đối mặt với bài toán tìm kiếm nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án.

Theo ông Châu, chi phí tạo lập dự án ngày càng tăng, đặc biệt khi bảng giá đất ngày càng tiệm cận giá thị trường. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho các dự án chưa có nhiều cải thiện. Đồng thời, các quy định mới theo hướng siết chặt hơn, bao gồm cả việc huy động vốn từ khách hàng cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng triển khai dự án, nhất là đối với các doanh nghiệp có nguồn vốn hạn chế.

Tin bài liên quan