Doanh nghiệp bất động sản "mắc bệnh kêu"?

Doanh nghiệp bất động sản "mắc bệnh kêu"?

(ĐTCK) Doanh nghiệp bất động sản phản ánh, việc triển khai chính sách chia nhỏ căn hộ rất chậm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý lại không cho như vậy.

Việc UBND TP. Hà Nội cho phép chia nhỏ diện tích căn hộ tại một số dự án ngay lập tức đã tác động tích cực đến việc bán hàng tại những dự án này cho thấy tính hiệu quả của chính sách. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tế triển khai cũng còn nhiều rào cản.

 

Chính sách hay nhưng… quá chậm

Tại báo cáo kinh tế - xã hội mới đây của TP. Hà Nội, địa phương này cho biết, đã xem xét điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại đối với 14 dự án trên địa bàn. Theo đó, 4.051 căn hộ sẽ được điều chỉnh diện tích thành 5.976 căn.

Đến thời điểm hiện tại, một số dự án đã chính thức được chia tách diện tích căn hộ, một số đã có chủ trương nhưng chưa hoàn tất các thủ tục.

Thừa nhận việc cho phép chia tách căn hộ là một chính sách tốt, gỡ khó cho DN và thị trường bất động sản, song ông Nguyễn Hữu Đường, đại diện chủ đầu tư Dự án Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai (Hà Nội) lại cho rằng, việc triển khai chính sách này trên thực tế quá chậm, thời gian để DN hoàn tất các thủ tục quá dài.

Ông Đường cho biết, Dự án Hòa Bình Green City đã mất 6 tháng kể từ khi đề xuất xin cơ cấu diện tích căn hộ đến khi có quyết định đồng ý. Hiện tại, dù đã đã được Thành phố phê duyệt cho cơ cấu căn hộ, nhưng DN vẫn chưa thể thực hiện việc chia tách, do còn phải chờ sự phê duyệt của Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng nhiều thủ tục hành chính liên quan khác.

Doanh nghiệp bất động sản "mắc bệnh kêu"? ảnh 1

Dự án căn hộ nhỏ, vừa túi tiền sẽ phù hợp với khả năng chi trả của người có nhu cầu

Trong khi đó, ông Vũ Công Hưng, Thành viên HĐQT Licogi 16, chủ đầu tư Dự án tòa nhà đa năng tại ô đất D25, khu đô thị Cầu Giấy (một trong 14 dự án được cho phép cơ cấu căn hộ) cũng cho rằng, thời gian 3 tháng để Công ty làm thủ tục xin chuyển đổi diện tích căn hộ tại dự án do Licogi 16 làm chủ đầu tư là quá dài. Thời gian này đã làm gián đoạn nhiều công đoạn thực hiện dự án của DN, đồng thời làm mất đi một lượng khách hàng của đơn vị.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, chính sách cho phép DN được cơ cấu lại diện tích căn hộ đã có quy định trong Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng có Thông tư hướng dẫn thực hiện. Vì thế không có chuyện thời gian xem xét một dự án được cơ cấu căn hộ kéo dài đến 6 tháng như phản ánh.

“Điều kiện cho phép dự án được cơ cấu lại diện tích căn hộ đã có quy định đầy đủ tại Nghị quyết 02, như: dự án đã có đất sạch, chưa huy động vốn hoặc huy động rồi thì phải có ý kiến khách hàng… Việc xem xét sẽ căn cứ theo hồ sơ dự án có đủ điều kiện hay không”, ông Đạm nói và khẳng định, Sở Xây dựng sẵn sàng đối thoại với những chủ đầu tư còn có vướng mắc.

Ngoài ra, ông Đạm cũng cho biết, ngoài 14 dự án đã được đề xuất, hiện còn khoảng 5 dự án Sở Xây dựng đang xem xét hồ sơ để trình lên tổ công tác cho phép cơ cấu lại diện tích căn hộ.

 

Được chia là hút khách

Dù dự án đã chính thức thực hiện hay mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương, thì việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ đã cho thấy hiệu quả của chính sách này trên thực tế.

Khảo sát của Đầu tư Bất động sản tại một số dự án nằm trong danh sách được cơ cấu lại diện tích căn hộ cho thấy, đây đều là những dự án thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng, thậm chí một số dự án còn nằm trong Top đầu thị trường về tính thanh khoản của sản phẩm.

Cụ thể, tại Dự án CT2 Trung Văn của Vinaconex3, được cho là dự án đầu tiên tại Hà Nội chính thức được chia tách diện tích căn hộ, những căn hộ sau khi chia tách đã được các nhà đầu tư mua hết chỉ sau một thời gian ngắn chính thức mở bán.

Một dự án khác cũng nằm trong danh sách được cơ cấu lại căn hộ là Dự án Hòa Bình Green City (của chủ đầu tư Hòa Bình Group). Sau khi thực hiện việc chia tách, 100% căn hộ của dự án này đều có diện tích từ 60 - 70 m2 đã tạo ra sự hấp dẫn lớn đối với khách hàng. Theo thông tin từ DN, 200 căn (chiếm khoảng 40% số lượng căn hộ) đã được giao dịch thành công ngay sau khi dự án được tái khởi động và mở bán.

Thậm chí, một dự án mới làm xong phần móng công trình, như Dự án Golden West, của CTCP Thương mại Việt (trên ô đất 2.5 HH đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân), đơn vị phân phối cũng bán được cả trăm căn hộ chỉ sau 2 tuần giới thiệu bán hàng…

 

Sẽ “hồi sinh” nhiều dự án

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Phó tổng giám đốc Vinaconex3 cho rằng, chính sách cho phép DN được cơ cấu lại diện tích căn hộ là một chính sách hợp lý, không chỉ giúp DN cải thiện thanh khoản cho chính dự án, mà qua đó giúp DN cải thiện dòng tiền, có nguồn để “hồi sinh” các dự án khác đang gặp khó khăn về vốn.

“Chủ trương cho phép chia nhỏ căn hộ đã gỡ khó cho cả DN, khách hàng cũng như đơn vị phân phối”, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, đơn vị độc quyền phân phối căn hộ Dự án Golden West chia sẻ và cho rằng, khi thị trường khó khăn, nếu DN vẫn nắm giữ căn hộ diện tích lớn sẽ khó bán được sản phẩm. Một khi sản phẩm không tiêu thụ được, đồng nghĩa với việc DN sẽ gặp khó khăn về vốn để tiếp tục triển khai dự án.

Trong khi với những căn hộ nhỏ, vừa túi tiền sẽ phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của những người có nhu cầu về nhà ở thực hơn. Như vậy, thanh khoản sản phẩm sẽ tốt hơn, DN sẽ có dòng vốn để triển khai dự án đúng tiến độ và giảm được áp lực về chi phí vốn vay.

 

>> Hà Nội sẽ chẻ nhỏ hơn 4.000 căn hộ

>> Kiểm tra việc chuyển đổi dự án

>> Phá băng BĐS không chỉ bằng... kiến nghị

>> Diamond Tower xin chuyển đổi không xong

>> "Chạy" bao "cửa” để chuyển đổi dự án?