Ông Nguyễn Văn Đính. Ảnh: Thành Nguyễn.
Theo ông, Hiệp hội Bất động sản mới đây đã có văn bản đề xuất các giải pháp để hà hơi, tiếp sức cho các doanh nghiệp trong ngành?
Hiện doanh nghiệp địa ốc đang chịu khủng hoảng kép, vừa bị siết tín dụng, vừa gặp khó khăn do Covid-19 nên cũng rất cần nhận được sự hỗ trợ.
Theo đó, chúng tôi đề nghị bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể là đề xuất các doanh nghiệp bất động sản được giãn thời hạn nộp các loại thuế sau: Thuế giá trị gia tăng, Tiền thuê đất.
Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó các doanh nghiệp bất động sản.
Về gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên, chúng tôi đề nghị xem xét kéo dài thời gian gia hạn cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các doanh nghiệp ngành địa ốc còn đối mặt với “nan đề” rất lớn là vốn vay. Nên chăng cũng cần có các kiến nghị về nới tín dụng bất động sản?
Đúng vậy, rất cần thiết phải nới tín dụng ra, vì hiện các doanh nghiệp đang lâm vào cảnh không bán được hàng/không có hàng bán, từ đó không có nguồn tiền vào, trong khi vẫn phải trả lãi vay, trả gốc khi đến hạn, ngoài ra còn chi phí vận hành, lương cho người lao động…
Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp bất động sản nếu hoạt động cả ở lĩnh vực xây dựng thì gặp vô vàn khó khăn. Tại các công trường, dự án có nhiều công nhân phải tạm dừng để tuân thủ việc không tụ tập đông người.
Tôi biết một số doanh nghiệp xây dựng lớn giảm từ 50 – 70% giá trị sản lượng. Cùng với đó là hàng trăm, hàng nghìn lao động bị mất việc, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Kéo theo các ngành nghề, lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng: xi măng, sắt thép, đá sỏi cũng bị suy giảm sản lượng nghiêm trọng.
Thị trường Bất động sản chững lại, ngành xây dựng cũng gặp khó. Ảnh: Thành Nguyễn.
Vậy theo ông, các chủ đầu tư nên có cách ứng xử ra sao thời Covid?
Theo tôi, các chủ đầu tư trong bối cảnh này nên tập trung vào các dự án ách tắc giai đoạn trước.
Với việc các cơ quan chức năng mới đây đã có các văn bản hướng dẫn (cấp quyền sử dụng đất cho công trình xây dựng không phải là nhà ở), nghị định tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư (Nghị định 25/2020/NĐ-CP), các doanh nghiệp nên tập trung cùng với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để tháo gỡ các khó khăn, hoàn thiện thủ tục cho dự án. Qua đó, khi thị trường hồi phục sẽ đảm bảo sớm có nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân, khách hàng.
Với nhóm dịch vụ, bán hàng thì đây là nhóm rất quan trọng thời điểm sau khi dịch được khống chế. Vì sau khi hết dịch thì thị trường có độ trễ nhất định.
Tâm lý chung là ai cũng bị tổn thất và cần có thời gian để ổn định lại mọi việc. Môi giới là nhà trung gian, góp phần tạo ra thị trường, thì phải tinh nhuệ. Do đó, lúc này cần ổn định lại cơ cấu, bộ máy, tinh nhuệ hơn về kỹ năng, công nghệ hóa để sau khi dịch qua đi đã có kỹ năng, trình độ tốt hơn, bộ máy hiệu quả nhất tiết kiệm chi phí.
Phải chăng, đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự, tái cấu trúc sản phẩm để có sự thích nghi tốt hơn với một thế giới nhiều biến động?
Đúng vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo nội bộ, tính toán, điều chỉnh sản phẩm và chiến lược để tăng khả năng thích ứng.
Quan trọng hơn, tôi muốn chia sẻ rằng, ở giai đoạn hiện tại, khi nhà nước có các hỗ trợ rồi thì doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng nhà nước, có động thái quyết liệt để tránh các vấn đề lãng phí. Tiết kiệm nhất nguồn lực có thể để phát huy hiệu quả tốt nhất trong giai đoạn này.
Mỗi doanh nghiệp phải cùng đồng hành với chính phủ trong việc chống dịch, phải đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu.