Hạn chế triển khai dự án mới. Ảnh: Dũng Minh

Hạn chế triển khai dự án mới. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp bất động sản củng cố nguồn lực chờ cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đã sang tháng 2, song không ít doanh nghiệp địa ốc còn chưa trở lại làm việc. Lúc này, tâm lý chủ đạo là phòng thủ, củng cố nguồn lực, chờ cơ hội mới.

Tâm lý phòng thủ bao trùm

Chia sẻ lý do chọn ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch để khai xuân, ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Công ty Phúc Điền Land thẳng thắn cho biết, chủ yếu là để lấy ngày, chứ doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể.

“Hiện chưa thể dự đoán thị trường năm nay sẽ diễn biến ra sao, nhưng chắc chắn là vẫn còn khó khăn. Do đó, mục tiêu ưu tiên của Phúc Điền Land lúc này là tiếp tục tái cơ cấu hoạt động, tiết giảm chi tiêu tối đa, chờ khi nào thị trường phục hồi sẽ tính tiếp”.

Dự báo diễn biến thị trường bất động sản vẫn còn nhiều thách thức trong năm Quý Mão, hầu hết doanh nghiệp địa ốc đều chia sẻ chiến lược năm 2023 là “thắt lưng buộc bụng”, đẩy mạnh tái cơ cấu, chọn phương án kinh doanh an toàn, phòng thủ để giảm thiểu rủi ro.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một tập đoàn địa ốc lớn tại TP.HCM cho hay, ít nhất phải hết quý I/ 2023 mới có thể đưa ra dự báo về diễn biến thị trường, song mục tiêu xuyên suốt của doanh nghiệp trong năm 2023 là cơ cấu lại các hoạt động đầu tư, kinh doanh, ổn định bộ máy...

“Đầu tư bất động sản lúc này sẽ không còn kỳ vọng đạt lợi nhuận cao như trước đây. Chiến lược của chúng tôi trong năm nay là điều chỉnh lợi nhuận bán hàng từ các dự án hiện hữu, sắp xếp lại kế hoạch triển khai các dự án mới”, vị phó tổng giám đốc trên nói và chia sẻ thêm, lo ngại lớn nhất hiện nay là sức mua quá thấp do tâm lý phòng thủ bao trùm. Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất tăng cao, đảm bảo đầu ra là yếu tố quyết định sự sống còn.

Tương tự, tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản quy mô hơn 1.000 nhân sự có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, từ cuối năm trước, doanh nghiệp này đã phải đưa ra một quyết định khó khăn, đó là cắt giảm gần 50% nhân sự.

“Trong bối cảnh tình hình chung còn nhiều khó khăn, diễn biến thị trường thời gian tới chưa thể đoán định, nên không còn cách nào khác là phải cơ cấu lại mọi mặt để tiết giảm chi phí tối đa nhằm đảm bảo an toàn hoạt động”, vị tổng giám đốc này nói, đồng thời cho biết thêm, ngoài cắt giảm nhân sự, doanh nghiệp này còn đẩy mạnh điều chỉnh hoạt động đầu tư, bán hàng, bán bớt các dự án không phù hợp để thu hồi vốn...

Ông La Cẩm Nam, Tổng giám đốc Công ty An Phúc Lộc chia sẻ, năm 2023, Công ty ưu tiên tái cấu trúc sản phẩm song song với tái cấu trúc bộ máy và chủ yếu vận hành bằng dòng tiền tích lũy từ trước.

Theo ông Nam, tình trạng thanh khoản yếu nhiều khả năng còn kéo dài trong năm 2023 nên An Phúc Lộc sẽ tập trung phát triển các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. Ngoài ra, để có thêm nguồn thu, Công ty đã mở rộng thêm mảng căn hộ dịch vụ cho thuê với 4 khu căn hộ cho thuê tính tới thời điểm hiện tại.

“Khó khăn của thị trường hiện nay phần nhiều mang yếu tố tâm lý, khủng hoảng niềm tin, khi nhiều người có nhu cầu mua bất động sản vẫn đang do dự, chần chừ ra quyết định. Trong khi đó, người đã mua lại gặp khó khăn trong khâu thanh toán, muốn rời đường đua do đuối tài chính. Do vậy, trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp xác định củng cố nguồn lực để chờ cơ hội mới”, ông Nam cho hay.

Án binh, chờ thời

Kinh doanh căn hộ cho thuê để tăng nguồn thu. Ảnh: Dũng Minh

Kinh doanh căn hộ cho thuê để tăng nguồn thu. Ảnh: Dũng Minh

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Vạn Phúc cho hay, trong năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục, tiện ích của dự án như khởi công xây dựng bến du thuyền, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp, đầu tư xây dựng sân tập golf và khai trương công trình nhạc nước..., qua đó từng bước đưa Khu đô thị Vạn Phúc trở thành một trong những khu đô thị đáng sống nhất tại TP.HCM.

Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc công ty Asia New Time đánh giá, năm 2022 là một năm nhiều khó khăn, nhưng điều quan trọng giúp các doanh nghiệp địa ốc còn “trụ” được đến thời điểm này là nhận diện được thực tế thị trường để từ đó đưa ra được chiến lược trong năm 2023.

“Thời gian tới là giai đoạn quan trọng để các doanh nghiệp tìm ra giải pháp xử lý dứt điểm những tồn đọng và quá trình này sẽ gặp nhiều thách thức khi các nguồn lực đều hạn chế. Do đó, doanh nghiệp càng chuẩn bị kỹ lưỡng thì khả năng ‘vượt bão’ thành công càng cao”, ông Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về kế hoạch hoạt động, ông Tiến cho biết, trong thời gian tới, Asia New Time sẽ tập trung hoàn thiện dự án Đồi Hoa Gió tại Lâm Đồng để nhanh chóng đưa vào khai thác, đồng thời tìm kiếm các dự án quy mô vừa và nhỏ có sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực để đầu tư cuốn chiếu, củng cố các nguồn lực để chuẩn bị cho chu kỳ phục hồi của thị trường.

Tương tự, đại diện Tập đoàn Novaland cho hay, sau những khó khăn, hiện doanh nghiệp này đang đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện, cắt giảm những ngành nghề, dịch vụ chưa cần thiết, tinh giảm nhân sự, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, song song với đó là mời các chuyên gia, các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới để giúp Tập đoàn tái cấu trúc hiệu quả, để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Danh Việt Group nói ngắn gọn: “Chiến lược của Danh Việt Group là dừng lại quan sát rồi mới quyết định bước tiếp”. Bởi theo lý giải của ông Hiển, thị trường chưa có dấu hiệu rõ ràng, mọi thứ mới chỉ là bắt đầu cho một giai đoạn còn nhiều thách thức.

“Trong quý I/2023, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, động thái tháo gỡ khó khăn của cơ quan quản lý và củng cố nguồn lực để chuẩn bị khởi động trở lại các dự án đáp ứng nhu cầu ở thực mà Danh Việt Group đang làm chủ đầu tư, trong đó có dự án căn hộ dành cho đối tượng có thu nhập trung bình quy mô gần 1.000 căn tại Bình Dương đã được chuẩn bị đầy đủ thủ tục pháp lý”, ông Hiển thông tin thêm.

Còn ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings nhìn nhận, sau giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản sẽ từng bước được phục hồi, đi đầu là các thị trường Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bảo Lộc… là các địa phương đang được đầu tư nhiều công trình hạ tầng kết nối liên vùng và có lợi thế khai thác du lịch.

“Chẳng hạn, tại Bình Thuận, sau khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu quý II/2023, du khách đến Bình Thuận từ TP.HCM hoặc từ sân bay Tân Sơn Nhất được rút ngắn một nửa thời gian di chuyển so với trước đây. Tương tự, các tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc… đều trở thành động lực phát triển cho thị trường bất động sản khu vực mà tuyến đường đi qua. Do đó, chiến lược của SG Holdings sắp tới là tập trung đầu tư vào các thị trường này”, ông Sang nhấn mạnh.

Tin bài liên quan