Thiếu dự án gối đầu
Năm 2020, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (D2D) đạt doanh thu 357,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 268,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 53,2% và 27,2% so với năm 2019.
Đáng chú ý, doanh thu mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp có dấu hiệu đi ngang, trong khi doanh thu của dự án Khu dân cư Lộc An giảm 312,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 53%.
Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản của D2D là 2.003,6 tỷ đồng, trong đó có 963,6 tỷ đồng là tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 48,1% tổng tài sản. Tồn kho chỉ là 130,5 tỷ đồng, chiếm 6,5%; chi phí xây dựng dở dang dài hạn là 96,5 tỷ đồng, chiếm 4,8% tổng tài sản.
Giai đoạn cuối năm 2020, D2D công bố các kế hoạch phát triển mới như góp 36 tỷ đồng, tương ứng 9% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận để phát triển dự án Khu công nghiệp Tân Đức tại Bình Thuận với diện tích 300 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, D2D thông qua kế hoạch thuê lại 188.499,9 m2 đất tại Khu công nghiệp Châu Đức của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức để phát triển dự án.
Tuy nhiên, quỹ đất ngày một suy giảm là vấn đề lớn nhất đối với D2D, thách thức đà tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn tới.
Với Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), tính tới 31/12/2020, doanh nghiệp có 299,8 tỷ đồng chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang dài hạn, chiếm 44,5% tổng tài sản. Đây là chi phí xây dựng cơ bản dở dang Khu công nghiệp Cộng Hoà (Hải Dương) với tổng vốn đầu tư hơn 834 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 đến năm 2019, giai đoạn 2 từ 2020 đến 2021. Nhìn chung, doanh nghiệp này cũng đang thiếu các dự án cho các năm tiếp theo.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (CCI), năm 2020 đạt doanh thu 290,4 tỷ đồng, giảm 24,5%; lợi nhuận sau thuế 30,1 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2019.
Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản của CCI là 692,9 tỷ đồng, trong đó chỉ có 34 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, chiếm 4,9%; hàng tồn kho 10,3 tỷ đồng, chiếm 1,5%.
Theo CCI, tài sản dở dang dài hạn là 29,9 tỷ đồng, liên quan tới dự án Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi.
Trong đó, doanh nghiệp đang lên kế hoạch phát triển dự án Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn mở rộng với diện tích 173,26 ha, tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị triển khai phương án đền bù giải toả khi được Uỷ ban nhân dân TP.HCM cấp quyết định chủ trương đầu tư khu tái định cư.
Nhưng nếu việc xin giấy phép chậm trễ, đây sẽ là thách thức với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Những tên tuổi mới
Trái lại với các doanh nghiệp có ngành kinh doanh cốt lõi là phát triển khu công nghiệp, những doanh nghiệp ngoài ngành sở hữu quỹ đất và lên kế hoạch phát triển các dự án khu công nghiệp đang khiến giới đầu tư kỳ vọng về việc doanh nghiệp sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đột biến khi dự án hoạt động.
Chẳng hạn, SAM HOLDINGS (SAM) công bố kế hoạch thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nam Tây Nguyên, vốn điều lệ 250 tỷ đồng, để xúc tiến các thủ tục đầu tư Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 với diện tích 400 ha. Trước đó, doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2 sau khi phát hành cổ phiếu thành công.
Hay Vingroup liên tục tăng vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes để tham gia vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, với các dự án như Khu công nghiệp Vinhomes Nam Tràng Cát (200 ha), Khu công nghiệp Thuỷ Nguyên (319 ha)…
Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) cũng được kỳ vọng khi trong 9 tháng đầu năm 2020 đã mua 39,05% vốn điều lệ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Thành Thành Công, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh khu công nghiệp, sở hữu 1.020 ha ở Khu công nghiệp Thành Thành Công (Tây Ninh).