Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp, nóng mùa đại hội

Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp, nóng mùa đại hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp “lấn sân” vào mảng cho thuê khu công nghiệp. Hiệu quả của mảng kinh doanh này là chủ đề được quan tâm trong mùa đại hội cổ đông.

Điểm tựa lợi nhuận của AAA

Năm 2021, Công ty Chứng khoán SBSI dự báo doanh thu của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã AAA) đạt 8.895 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 621 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với năm 2020.

Lợi nhuận đến từ ba mảng: bất động sản khu công nghiệp, mảng bao bì và tỷ trọng sản phẩm tự hủy sinh học tiếp tục tăng lên.

Khu công nghiệp An Phát Complex do AAA sở hữu có diện tích 46 ha, với diện tích thương mại 38 ha, đang được cho thuê với giá trung bình 85 USD/ha/chu kỳ thuê.

Khu công nghiệp An Phát Complex do AAA sở hữu có diện tích 46 ha, với diện tích thương mại 38 ha, đang được cho thuê với giá trung bình 85 USD/ha/chu kỳ thuê.

AAA dự kiến sẽ cho thuê diện tích đất thương mại dịch vụ tại Khu công nghiệp Công nghệ cao An Phát Complex trong năm 2021. Ngoài ra, Khu công nghiệp An Bình Quốc Tuấn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đổi tên thành Khu công nghiệp An Phát 1.

Dự án tọa lạc tại tỉnh Hải Dương với diện tích 180 ha, có giá trị đầu tư 1.947 tỷ đồng. Ban lãnh đạo AAA dự kiến dự án khu công nghiệp mới này sẽ bắt đầu được chuyển giao từ nửa cuối năm 2021 và sẽ tạo ra khoảng 200 tỷ đồng doanh thu và 50 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay.

Ước tính, dự án Khu công nghiệp An Phát 1 đem về cho AAA khoảng 2.560 tỷ đồng doanh thu và 795 tỷ đồng lợi nhuận trong 5 năm tới.

PHR hưởng lợi từ quỹ đất rừng cao su

Nhiều doanh nghiệp cao su thiên nhiên đã phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ ở mảng này, trong đó có Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR). Hiện tại, PHR đang sở hữu quỹ đất 15.000 ha tại Bình Dương và đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết vận hành phát triển khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương, như góp hơn 235 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên với tỷ lệ sở hữu 32,85%, rót vốn vào Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ…

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong báo cáo mới nhất đã đưa ra nhận định, PHR sẽ hưởng lợi chính từ nhu cầu đất khu công nghiệp gia tăng nhanh chóng tại Bình Dương nhờ quỹ đất cao su có sự kết nối tốt với hệ thống hạ tầng đường bộ hiện hữu.

Theo VCSC, Khu công nghiệp VSIP III đã nhận được phê duyệt quan trọng vào đầu tháng 2/2021. Khu công nghiệp này được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Sau đó, tỉnh Bình Dương sẽ phê duyệt kế hoạch chuyển đổi đất cho khu công nghiệp này, điều này giúp PHR có đủ điều kiện để ghi nhận thu nhập bồi thường từ Khu công nghiệp VSIP III.

VCSC dự báo PHR sẽ ghi nhận 898 tỷ đồng thu nhập bồi thường từ việc chuyển đổi đất sang Khu công nghiệp VSIP III vào năm 2021, chiếm khoảng 63% dự báo lợi nhuận trước thuế. Ngoài khoản trả trước khi chuyển đổi đất cao su vào năm 2021, PHR sẽ ghi nhận 20% thu nhập được chia từ doanh số bán đất tại Khu công nghiệp VSIP III và 20% lợi nhuận được chia từ cổ phần trong dự án khu công nghiệp này.

VCSC kỳ vọng sự phát triển thành công của Khu công nghiệp VSIP III sẽ là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận trong ngắn hạn cũng như đóng góp lợi nhuận trong trung và dài hạn của PHR.

Đơn vị này cũng lưu ý rằng, PHR đã nhận được 150 tỷ đồng tiền tạm ứng từ Khu công nghiệp VSIP III vào năm 2019 cho việc chuyển đổi, khoản tiền này sẽ được ghi nhận là thu nhập khác sau khi Khu công nghiệp VSIP III nhận được phê duyệt chuyển đổi đất từ tỉnh Bình Dương.

PHR cũng đang có diễn biến chuyển đổi mang tính chiến lược sang mảng khu công nghiệp. Trong đó, VCSC kỳ vọng quy trình phê duyệt cho các dự án khu công nghiệp khác của PHR sẽ được thực hiện đúng tiến độ.

Hiện dự án khu công nghiệp tiếp theo của PHR - Khu công nghiệp Tân Lập I (tổng diện tích 200 ha) đã được đưa vào quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương và đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án. Các dự án khu công nghiệp tự phát triển khác của PHR (bao gồm Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng với tổng diện tích 1.055 ha và Khu công nghiệp Hội Nghĩa với tổng diện tích là 715 ha) dự kiến sẽ được đưa vào quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương cho giai đoạn 2021 - 2025.

SCG: Nhà thầu lấn sân

Không khí đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Xây dựng Smart Construction Group (mã SCG) cũng nóng lên với thông tin doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp.

Năm 2020, SCG ghi nhận doanh thu 1.420 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 90,1 tỷ đồng, (tăng trưởng 121% so với kế hoạch đề ra). Ngoài vai trò tổng thầu thi công, trong năm nay, Công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp với quy mô hàng ngàn ha tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, SCG chưa tiết lộ chi tiết kế hoạch này.

SCG được thành lập từ tháng 4/2019 và là thành viên của Sunshine Group. Chủ tịch Hội đồng quản trị Sunshine Group, ông Đỗ Anh Tuấn hiện cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị SCG. Ông Tuấn hiện nắm giữ trực tiếp 15% cổ phần của SCG.

Năm 2021, SCG đặt kế hoạch khá tham vọng khi đề ra chỉ tiêu doanh thu tăng 252%, lợi nhuận sau thuế tăng 178% so với năm 2020, tương đương doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 250 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2021, doanh thu của SCG đạt 350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 14 tỷ đồng, thực hiện được lần lượt 7% và 6% so với kế hoạch đề ra.

CLX: Giậm chân tại chỗ với ba dự án

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (Cholimex, mã CLX) diễn ra ngày 15/4, kế hoạch đầu tư bất động sản khu công nghiệp là một trong những nội dung được cổ đông quan tâm. Cholimex vốn có thế mạnh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Bước sang lĩnh vực mới, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Ông Huỳnh An Trung, Tổng giám đốc Cholimex cho biết, Công ty có ba dự án tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, gồm Khu công nghiệp Vĩnh Lộc mở rộng (56 ha), Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3 (217 ha) và dự án Khu dân cư tái định cư (44 ha). Cả ba dự án này chưa thể triển khai được trong năm 2021 và đang trong quá trình làm thủ tục.

Báo cáo hoạt động đầu tư gửi cổ đông, Cholimex cho biết, với dự án khu công nghiệp mở rộng, Công ty tiếp tục giải quyết các trường hợp vướng mắc và quản lý ranh đất các thửa đất đã nhận chuyển nhượng tại dự án Khu công nghiệp Vĩnh Lộc mở rộng (56 ha), dự án khu dân cư - tái định cư Vĩnh Lộc A (44 ha).

Với dự án khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3 (217 ha), trong năm 2020, Công ty đã có báo cáo gửi Hepza về khả năng tiếp tục thực hiện dự án, trong đó đề xuất phương án quy hoạch dự án là 172,5 ha (quy hoạch ban đầu là 217 ha) cho phù hợp với hiện trạng khu vực dự án.

Do vẫn trong quá trình đầu tư triển khai các thủ tục liên quan đến dự án nên năm 2021, doanh thu từ mảng bất động sản khu công nghiệp chưa được ghi nhận tại Cholimex.

Thực tế, không phải cứ đầu tư khu công nghiệp, có nhà xưởng cho thuê là hưởng quả ngọt. Tại công ty con của Cholimex là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Lộc - Bến Lức, hoạt động cho thuê nhà xưởng, văn phòng, mặt bằng kho bãi có bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều hợp đồng cho thuê đã đến hạn điều chỉnh theo kế hoạch đề ra nhưng không điều chỉnh được.

Mặt khác, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê mặt bằng kho xưởng cho 16 doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Doanh thu của mảng cho thuê do đó cũng sụt giảm.

Năm 2021, Cholimex đặt kế hoạch doanh thu 540 tỷ đồng, lãi 143 tỷ đồng giảm, lần lượt 10% và 6% so với thực hiện trong năm 2020; đồng thời, công bố kế hoạch không chia cổ tức.

Tin bài liên quan