Dòng tiền vẫn chảy
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng nhà nước) cho hay, tính đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022 và chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực này.
Theo bà Giang, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung và cao hơn cùng kỳ năm trước, lên tới 21,86%, cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường địa ốc đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở.
Còn theo Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate, đơn vị này đã tiến hành khảo sát 1.400 người vào tháng 9 và 10/2023 về nhu cầu mua bất động sản ở Hà Nội, kết quả cho thấy, 63% người phản hồi có nhu cầu và có thể cân nhắc mua bất động sản vào 1 - 2 năm tới, trong đó có 72% khách hàng có dự định mua nhà và người có nhu cầu bất động sản quan tâm nhiều đến các phân khúc chính như chung cư (45%), đất nền (48%), nhà thổ cư (44%).
Ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate nhận định, thị trường bất động sản có xu hướng tích cực dần về cuối năm, nhu cầu mua bất động sản được duy trì ở mức cao đến từ những tín hiệu tốt về chính sách bán hàng của chủ đầu tư và việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng từ 1-3%/năm so với năm 2022.
Theo ông Tiến, lãi vay “hạ nhiệt” thúc đẩy dòng tiền chảy vào bất động sản, trong đó loại hình chung cư phục vụ nhu cầu ở thực sẽ đón tín hiệu tích cực trước tiên. Các động thái điều chỉnh chính sách bán hàng từ phía chủ đầu tư đã và đang tháo gỡ dần tâm lý e ngại của người mua, kích cầu giao dịch nhiều hơn. Thay vì tiếp tục chờ đợi, một bộ phận người có nhu cầu rục rịch xuống tiền sau khi xác định hiện trạng tài chính của bản thân, mục đích, thời hạn đầu tư...
Cam kết từ phía ngân hàng
Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng cao cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường địa ốc đang dần phát huy hiệu quả.
Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, trong bối cảnh thị trường khó khăn kéo dài, việc tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản gia tăng cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này tới nền kinh tế và ít nhiều, các chính sách hỗ trợ về lãi suất đã khiến người mua nhà dễ thở hơn.
Còn theo ông Đinh Văn Nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinapol, các nỗ lực giảm lãi suất từ Chính phủ là rất đáng ghi nhận, nhưng để thẩm thấu vào đời sống doanh nghiệp sẽ còn có độ trễ nhất định, vì ngân hàng cũng có các nỗi lo về hiệu quả kinh doanh, về nợ xấu.
Dù vậy, ông Nghị cho rằng, việc tiếp cận tín dụng chưa hẳn là dễ dàng nhưng không còn khó khăn như trước và Vinapol cũng đang tranh thủ vay thêm vốn để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện dự án.
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, sau khi Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo quyết liệt, việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, người dân đã dễ dàng hơn. Cùng với đó, lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm cũng khiến nhiều nhà đầu tư mạnh dạn sử dụng đòn bẩy tài chính hơn so với thời gian trước.
Về mặt giải pháp, theo bà Giang, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai đồng thời nhiều nội dung để hỗ trợ thị trường, các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trước hết là việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03/2022/TT-NHNN về thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 và Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Một nội dung quan trọng khác cũng được bà Giang đề cập là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững, đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.
Cũng nêu quan điểm về câu chuyện tín dụng bất động sản, đại diện VPBank cho biết, ngân hàng này xác định cho vay lĩnh vực địa ốc là một trong những lĩnh vực quan trọng, trong đó chú trọng đối với bất động sản tiêu dùng, tức cho vay cá nhân mua nhà, mục đích tiêu dùng, tự sử dụng, ưu tiên tập trung đối với nhà ở xã hội dành cho các đối tượng có thu nhập thấp, cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, VPBank đề nghị xem xét không coi tín dụng bất động sản là một danh mục cho vay phải kiểm soát chặt dẫn tới những quy định hạn chế, ảnh hưởng tới tiến độ dòng vốn của các dự án. Theo VPBank, có một số điểm cần phải làm ngay, đó là các bộ, ban, ngành liên quan cần có biện pháp để tối giản các thủ tục cấp phép dự án, đồng thời cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; các cơ chế về đền bù, giải phóng mặt bằng cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; song song với đó là các hỗ trợ về mặt pháp lý để các doanh nghiệp có thể triển khai dự án, tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội và có dòng tiền trả nợ cho ngân hàng.
Chung quan điểm, đại diện VietinBank cho hay, ngân hàng này sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng lĩnh vực bất động sản, đối với cả khách hàng doanh nghiệp và người dân, để phục vụ các nhu cầu tín dụng thực chất, chính đáng, các dự án/phương án vay vốn khả thi, đảm bảo pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành và sớm đi vào sử dụng, đặc biệt với các phân khúc có tiềm năng/triển vọng phát triển, phù hợp với định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như bất động sản khu công nghiệp, nhà ở tại đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.