Nhiều dự án tại TP.HCM buộc phải tạm dừng thi công.
Nhiều dự án “treo cẩu”
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, không chỉ các nhà máy sản xuất tại TP.HCM phải chấp nhận tạm dừng hoạt động để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng phương châm “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường - 2 điểm đến”, mà các dự án bất động sản cũng phải “treo cẩu” vì quy định này.
Theo lý giải của các nhà thầu xây dựng lớn, việc tiếp tục thi công với điều kiện toàn bộ công nhân ăn ở tại chỗ rất khó khăn. Việc mua sắm trang thiết bị để toàn bộ người lao động ăn ngủ tại chỗ, cộng với xét nghiệm định kỳ khiến chi phí bị đội lên rất cao. Do đó, họ buộc phải dừng thi công để giữ an toàn và đảm bảo lợi nhuận. Chỉ có một số công trình do yêu cầu về tiến độ không thể dừng, mới tiếp tục thi công, nhưng cũng chỉ có số ít công nhân.
“Việc công nhân ăn uống, ngủ lại ngay tại công trường có thể áp dụng cho những công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ quy mô nhỏ, rất khó triển khai trên các dự án xây dựng lớn có hàng trăm công nhân. Do đó, nhiều dự án tại TP.HCM buộc phải tạm dừng thi công vì nhà thầu không thể đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố”, ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng Coteccons chia sẻ.
Không chỉ chịu tác động từ dịch Covid-19, các chủ dự án bất động sản còn đang chịu nỗi lo kép từ việc giá các mặt hàng vật liệu tăng cao. Theo ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPiHOME, gần đây, giá thép giảm nhẹ là tín hiệu đáng mừng với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, mức giảm còn hạn chế, khiến nhiều dự án chưa thoát được cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Cùng với sắt thép, nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng, gạch đá... cũng “té nước theo mưa” khiến giá thành xây dựng bị đẩy lên quá cao. Do vậy, chủ đầu tư buộc phải đứng giữa 2 lựa chọn: tiếp tục thi công để “về đích” đúng tiến độ, chấp nhận hao hụt lợi nhuận; hoặc thi công cầm chừng, thậm chí là ngừng thi công một thời gian để đảm bảo chất lượng công trình và lợi nhuận kỳ vọng, tránh nguy cơ bị thua lỗ.
Theo ông Phi, đối với một công trình xây dựng, chi phí nguyên vật liệu thường chiếm 40 - 70% tổng dự toán công trình. Vì vậy, nếu tính riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch, thì chi phí xây dựng tăng 1,25 - 1,4 lần. “Chi phí xây dựng chỉ tăng ở mức 0,25 - 0,5 lần cũng đã đủ làm đổ bể toàn bộ kế hoạch lợi nhuận và tiến độ của một dự án”, ông Phi chia sẻ.
Hầu hết các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng cho rằng, việc dừng thi công sẽ gây thiệt hại cho cả nhà thầu và chủ đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ công trình và lợi ích kinh tế về lâu dài. Mức tổn thất cụ thể tùy thuộc vào quy mô công trình và kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, đây là rủi ro bất khả kháng buộc phải chấp nhận.
Chờ sóng cuối năm
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản, từ giờ đến cuối năm, giao dịch bất động sản phụ thuộc rất lớn vào việc phòng chống dịch. “Nếu tháng 8 có thể kiểm soát được dịch bệnh, thì tôi tin rằng, thị trường cuối năm sẽ giao dịch tốt. Nhiều chủ đầu tư đang chờ tung hàng, bất động sản cuối năm có thể có đợt sóng mới”, ông Phi nhận định.
Theo ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi, từ giờ đến cuối năm, thu nhập hạn chế của đại đa số người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ khiến thị trường không có quá nhiều đột phá. Giao dịch phần lớn sẽ đến từ các nhà đầu tư dài hạn, không còn chỗ cho đầu tư lướt sóng.
Tuy nhiên, vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân, nhất là tại các thành phố lớn, nên bất động sản nhà ở sẽ là thị trường tiềm năng. Ngoài ra, xu hướng ly tâm còn tiếp diễn, bất động sản những khu vực lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư.
“Đợt dịch thứ 4 cộng hưởng với sự điều chỉnh mạnh từ thị trường chứng khoán đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Có thể diễn ra sự dịch chuyển dòng tiền đầu tư mạnh mẽ từ chứng khoán sang bất động sản. Với tâm lý mua thổ thì lời của người Việt, bất động sản có thể như “chiếc lò xo bị nén” chờ bung mạnh trong những tháng cuối năm 2021, nếu thêm chất xúc tác từ cơ chế, chính sách hay cú hích hạ tầng khu vực”, ông Quyền nói.
Còn theo quan điểm của ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, thị trường các tháng cuối năm nhìn chung khó đoán vì phụ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh. Nếu dịch kéo dài đến tháng 9 thì gây khó khăn cho khoảng 30-40% nhà đầu tư trên thị trường.
“Hết quý III/2021, nếu dịch được kiểm soát tốt, thì sẽ có một cơn sóng nhỏ, nhất là đất nền vùng ven, được tạo ra sau khi hết dịch khoảng một tháng, rơi vào tầm tháng 10, tháng 11. Tuy nhiên, đó chỉ là cơn sóng nhỏ về thị trường đất nền, còn những sản phẩm cao cấp ngay trung tâm thành phố vẫn gặp một số khó khăn nhất định”, ông Quang nói.