Trong bối cảnh dịch Covid-19 tạm thời được khống chế, các gói hỗ trợ của Chính phủ dần ngấm vào thị trường bất động sản và niềm tin nhà đầu tư dần trở lại, nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc đã ráo riết thực hiện các hoạt động kinh doanh, khởi động lại các dự án sau một thời gian bị tạm dừng vì dịch.
Tuy nhiên, có một số nơi, một số dự án, ngay khi nhận thấy nhu cầu của nhà đầu tư, người mua nhà tăng lên hậu Covid-19, các đơn vị phân phối, chủ đầu tư đã đẩy giá lên. Một số khu vực như Đà Nẵng, Đồng Nai, hay phía Đông TP.HCM đã nhăm nhe cơn sốt mới, gây ra một số lo ngại cho các thành viên thị trường.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã có cuộc phỏng vấn TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam.
Theo ông, trong ngắn hạn (nửa cuối năm 2020), yếu tố nào sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản? Vì sao?
Tôi cho rằng, sẽ có những yếu tố mang tính khách quan cũng như chủ quan.
TS. Sử Ngọc Khương
Thứ nhất, khi chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước, việc mở lại các đường bay quốc tế là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nói riêng, và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới.
Thứ hai, về những vấn đề về pháp lý của dự án, đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ bỏ những khó khăn liên quan đến các dư án tại TP.HCM.
Thứ ba là việc giảm lãi suất cho các doanh nghiệp của nhiều nền kinh tế nói chung.
Như vậy, đây là ba yếu tố sẽ giúp cho thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm 2020 có biến chuyển tích cực.
Ông đánh giá gì về tâm lý thị trường của các doanh nghiệp địa ốc ở thời điểm hiện tại? Phải chăng, dịch được kiểm soát đã tạo cảm hứng nhất định cho các thành viên thị trường bất động sản?
Các hoạt động kinh doanh trong nước đã tương đối được mở lại dưới những điều kiện môi trường mới. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành nghề đều có khả năng hồi phục và trở lại như bình thường.
Nhìn chung, so với thời gian vừa bắt đầu chỉ thị giãn cách xã hội, chúng ta đã có rất nhiều thay đổi. Dĩ nhiên, ta không thể quay lại y hệt điều kiện như trước khi có sự xuất hiện của bệnh dịch, nhưng có thể thấy mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh đang dần được đi vào đúng quy củ.
Đây là một trong những điểm tích cực mà các doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng mong đợi. Tuy nhiên, về hiệu quả kinh doanh, đâu đó vẫn còn khá nhiều khó khăn, nên doanh nghiệp không được chủ quan, mang tính chộp giật.
Nếu nhìn ở cấp độ một nền kinh tế, Việt Nam là một trong những nước có sức đàn hồi tương đối nhanh so với các nước trong khu vực cũng như thế giới nhờ sự khác biệt trong việc đối phó với dịch bằng cách chấp nhận khó khăn về kinh tế để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Đây sẽ là một trong những động cơ giúp các doanh nghiệp tự tin hơn khi bắt đầu quay lại hoạt động.
Với các doanh nghiệp, theo ông, có cần điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch năm cho thích nghi với bối cảnh mới? Và nên điều chỉnh theo hướng nào?
Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp nói chung và ngành địa ốc nói riêng cần tái cấu trúc “kỳ vọng” của mình để có khả năng hồi phục và ổn địch sau khoảng thời gian này.
Tới năm 2021, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của thế giới. Nếu thế giới kiểm soát tốt, chúng ta có thể mở cửa hoàn toàn trở lại, tạo ra một cơ hội lớn để các doanh nghiệp hoạch định lại các chiến lược kinh doanh như trước đây đã làm.
Bất động sản là lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, theo ông, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể tính tới giải pháp nào để có thể đảm bảo được dòng tiền?
Đảm bảo dòng tiền luôn là một câu chuyện lớn đối với các doanh nghiệp. Nếu chúng ta tái cấu trúc các kỳ vọng, ví dụ như doanh thu, chi phí, lợi nhuận,…, dòng tiền sẽ được điều chỉnh theo những thay đổi đó.
Hơn nữa, doanh nghiệp đang nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ qua những chính sách giảm thuế, giảm lãi suất... Nếu không kiểm soát được dòng tiền tốt, dù cho dịch bệnh đã qua đi, doanh nghiệp vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.