Với các doanh nghiệp bảo hiểm, nguồn vốn mới là một nhu cầu tất yếu

Với các doanh nghiệp bảo hiểm, nguồn vốn mới là một nhu cầu tất yếu

Doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng vốn điều lệ sẽ mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp bảo hiểm, thế nhưng không vì thế mà có thể dễ dàng thực hiện.

Tốc độ tăng chậm lại…

Đang là doanh nghiệp phi nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất tại thị trường Việt Nam (3.500 tỷ đồng), vào cuối tháng 8/2024, Bảo hiểm PVI tiếp tục tăng vốn lên 3.900 tỷ đồng, cũng là lần tăng vốn thứ 2 trong 5 tháng qua.

Trong khi đó, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đang chờ tăng vốn điều lệ từ 804 tỷ đồng lên 1.206 tỷ đồng (tăng gấp rưỡi) sau 9 năm chưa thực hiện tăng vốn (kể từ năm 2015). Việc tăng vốn được thực hiện trong năm 2024, sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, PTI dự kiến phát hành thêm gần 40,2 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 402 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện là 2:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có 1 quyền, cứ 2 quyền được nhận 1 cổ phiếu phát hành thêm). Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần của PTI theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 là gần 402 tỷ đồng.

Với mức vốn điều lệ mới, PTI sẽ vượt qua Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) vươn lên vị trí thứ 5 doanh nghiệp phi nhân thọ có vốn điều lệ cao nhất, sau các cái tên Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Bảo hiểm AAA.

Với Bảo hiểm AAA, nhà bảo hiểm này đã tăng vốn điều lệ lên gần 1.500 tỷ đồng vào tháng 2/2024. Được biết, sau khi tăng vốn, Công ty mẹ - Tập đoàn Bamboo Capital sẽ đăng ký giao dịch cổ phiếu Bảo hiểm AAA trên thị trường UPCoM.

Ở mảng bảo hiểm nhân thọ, trong vòng 2 tháng, Bảo hiểm Nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) đã 2 lần tăng vốn điều lệ. Cụ thể, vào ngày 22/4/2024, Phú Hưng Life tăng vốn lên 3.293 tỷ đồng, sau khi vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 3.043 tỷ đồng vào ngày 19/2/2024.

Trong tháng 2/2024, Sun Life Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 16.480 tỷ đồng lên 17.944 tỷ đồng (số vốn tăng thêm 1.464 tỷ đồng), qua đó trở thành 1 trong 3 công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam.

Bảo Việt Nhân thọ cũng đang ở chế độ chờ tăng vốn. Mặc dù đứng trong tốp đầu về thị phần mảng bảo hiểm nhân thọ, nhưng với số vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, nhà bảo hiểm này chỉ đứng thứ 8 về quy mô vốn trong số 19 công ty nhân thọ trên thị trường, trong khi cách đây gần 10 năm (năm 2015) từng là công ty bảo hiểm có quy mô vốn lớn nhất. Đây cũng là vấn đề gây đau đầu lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt (công ty mẹ của Bảo Việt Nhân Thọ) khi liên tục được nhắc đến tại mỗi kỳ đại hội đồng cổ đông những năm gần đây.

Thực tế, tăng vốn điều lệ ngoài mục đích chung là giúp doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường năng lực tài chính, có thêm dư địa để mở rộng quy mô kinh doanh…, thì còn mang ý nghĩa riêng.

Với khối phi nhân thọ, lợi thế về vốn sẽ giúp nhà bảo hiểm dễ thắng thầu tại các dự án lớn. Chẳng hạn, tại Bảo hiểm PVI, việc có vốn điều lệ cao nhất khối đã giúp “ông lớn” này liên tiếp thắng thầu hợp đồng bảo hiểm trong các dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án xây dựng Nhà ga T3- sân bay quốc tế Nội Bài, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I...

Hay với PTI, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty - bà Phạm Minh Hương, với quy mô vốn nhỏ, Công ty khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ tối thiểu. Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ cũng dẫn đến việc hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.

Do không có “bà đỡ” là công ty mẹ ở nước ngoài như các doanh nghiệp nhân thọ, con đường thuận tiện để tăng vốn đối với các doanh nghiệp phi nhân thọ là phát hành thêm cổ phiếu. Trong vài năm gần đây, nếu tính riêng nhóm công ty bảo hiểm trên sàn chứng khoán, Bảo hiểm Quân đội (MIC) là doanh nghiệp tăng vốn nhanh nhất. Mức vốn điều lệ hiện tại của MIC là 1.726 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2018. Giai đoạn 2024-2025, vốn điều lệ của MIC dự kiến tăng thêm 288 tỷ đồng, lên hơn 2.014 tỷ đồng sau khi hoàn tất kế hoạch phát hành hơn 28,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (26 triệu cổ phiếu) và theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Theo thống kê của cơ quan quản lý, nếu so với thời điểm năm 2021 trở về trước thì việc tăng vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm những năm gần đây đã chậm lại đáng kể, nhất là với khối nhân thọ.

Thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2021, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng vốn thêm 23.501 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ của toàn khối lên 117.572 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2021, vốn điều lệ của khối nhân thọ tăng hơn 3 lần, tương ứng khoảng 90.709 tỷ đồng (từ 26.863 tỷ đồng năm 2016 lên 117.572 tỷ đồng năm 2021).

… và cũng không dễ thực hiện

Có thể thấy, việc tăng vốn điều lệ của các hãng bảo hiểm nhân thọ nước ngoài những năm trước phần nào cho thấy tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, bởi qua động thái này khẳng định cam kết hoạt động lâu dài, chuẩn bị cho một cuộc đua “dài hơi” trên thị trường. Cả 3 công ty bảo hiểm Manulife, FWD và Sun Life có vốn điều lệ lớn nhất thị trường nhân thọ Việt Nam đều gắn liền với các thương vụ hợp tác độc quyền bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) có giá trị lớn thời gian qua kèm theo nhiều tham vọng lớn.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, nguồn vốn mới là một nhu cầu tất yếu, nhưng hiệu quả từ các đợt bơm thêm vốn đến đâu, số tiền thu được từ đợt chào bán, tăng vốn được sử dụng như thế nào… cũng là điều bên cấp vốn luôn phải cân nhắc. Mặt khác, trong bối cảnh thị trường tăng trưởng chậm lại theo chu kỳ kinh tế cùng cuộc khủng hoảng niềm tin vừa qua đang khiến các tập đoàn mẹ ở nước ngoài có phần dè dặt, chưa sẵn sàng bổ sung thêm vốn cho công ty con ở Việt Nam giai đoạn hiện tại.

Trên thực tế, dù được tăng thêm vốn điều lệ, nhưng kết thúc năm 2023 (theo báo cáo tài chính kiểm toán), doanh thu tuy tăng tới gần 21% (615 tỷ đồng) nhưng Sun Life Việt Nam vẫn lỗ sau thuế gần 922 tỷ đồng (cho dù đã cải thiện so với mức lỗ 1.469 tỷ đồng năm 2022). Tính đến cuối năm 2023, Sun Life Việt Nam lỗ lũy kế xấp xỉ 5.497 tỷ đồng sau khi lỗ ròng rã 10 năm liên tục. Trong khi đó, Manulife Việt Nam vướng vào lùm xùm liên quan đến kênh bán bảo hiểm qua SCB.

Hay như Phú Hưng Life, sau khi tăng vốn, dưới thời tân Tổng giám đốc - ông Paul George Nguyen (được bổ nhiệm từ ngày 15/1/2024) cũng chưa hết khó. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt 226 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm và lỗ sau thuế 102 tỷ đồng.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới kế hoạch tăng vốn, đó là lợi ích của các cổ đông lớn, thế nên mới có chuyện không phải phương án tăng vốn nào cũng thuyết phục được nhóm cổ đông này.

Những năm trước, Hội đồng quản trị PTI thường trình cổ đông các kế hoạch tăng vốn mạnh, nhưng cổ đông lớn sở hữu gần 38% cổ phần PTI là DB Insuarance lại không đồng tình. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Hội đồng quản trị PTI đã trình 2 phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu: Một là, phát hành thêm gần 80,4 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 1:1, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá gần 804 tỷ đồng; hai là, phát hành thêm gần 40,2 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 2:1, tổng giá trị phát hành dự kiến là gần 402 tỷ đồng. Cổ đông lớn này chỉ chấp thuận phương án 2.

Theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, cả doanh nghiệp nhân thọ và phi nhân thọ đều phải tăng vốn điều lệ tối thiểu (Điều 35).

Theo đó, với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu là 750 tỷ đồng; với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng; với doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu là 500 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trước ngày 1/7/2023 có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu quy định nêu trên thì trước ngày 1/1/2028 phải hoàn thành bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều có mức vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, cao hơn so với mức quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới. Các doanh nghiệp đang có mức vốn điều lệ cao nhất trong khối này có thể kể đến Manulife, FWD, Sun Life, Dai-ichi Life, Generali...

Tin bài liên quan