Bảo hiểm ô tô và bảo hiểm sức khỏe được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao

Bảo hiểm ô tô và bảo hiểm sức khỏe được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tự tin mở rộng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiềm năng thị trường còn rộng mở nên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bắt đầu đẩy mạnh khai thác doanh thu, bù đắp cho năm 2021 không tăng trưởng.

Bảo hiểm ô tô và bảo hiểm sức khỏe sẽ tự nhiên mở rộng

Báo cáo nhanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, năm 2021, khối này chỉ tăng trưởng doanh thu 1,7% so với năm 2020. Nếu có bổ sung một số doanh nghiệp chưa cập nhật số liệu đầy đủ thì tăng trưởng doanh thu năm 2021 ước tính cũng chỉ đạt hơn 2% - mức tăng trưởng thấp kỷ lục so với những năm trước đó.

Tăng trưởng doanh thu suy giảm là điều các doanh nghiệp đoán định trước, bởi doanh thu của hai nghiệp vụ chủ lực là bảo hiểm con người và bảo hiểm xe cơ giới liên tục giảm, thậm chí ghi nhận tăng trưởng âm trong nhiều tháng.

Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu giảm mạnh, nhưng một số doanh nghiệp cho rằng, năm qua cũng không phải là năm biến động ghê gớm, bởi thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam vẫn luôn biến chuyển và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Dù có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau về sự phục hồi của thị trường, nhưng các doanh nghiệp đều tin tưởng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ không ngừng lớn mạnh.

Trong năm qua, tình hình kinh tế có nhiều thay đổi do dịch bệnh Covid-19. Yếu tố khách quan này ảnh hưởng đến doanh thu bảo hiểm, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn đạt lợi nhuận cao và công bố khá sớm như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC). Mới đây, Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 790 tỷ đồng, vượt 22,4% kế hoạch.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được nhìn nhận còn non trẻ, tức còn sung sức để trở lại tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số mỗi năm.

Năm 2022 bắt đầu trong bối cảnh “bình thường mới”, dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng các hãng bảo hiểm vẫn tự tin vào chiến lược phát triển đã định trước.

Không như những thị trường bảo hiểm trưởng thành, tốc độ phát triển đã và đang đi đến giai đoạn trì trệ do thị trường rơi vào trạng thái bão hòa, hoặc cạnh tranh cao, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam dù có trải qua một năm tăng trưởng doanh thu thấp nhất thì vẫn được nhìn nhận còn non trẻ, tức còn sung sức để trở lại tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số mỗi năm.

Một chuyên gia bảo hiểm đến từ Hàn Quốc nhận định, tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm ô tô và bảo hiểm sức khỏe sẽ tự nhiên mở rộng do thu nhập quốc dân tăng, thị trường bảo hiểm tài sản cũng sẽ mở rộng khi các công ty mở rộng cơ sở hạ tầng.

“Năm 2021, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời củng cố cơ sở hạ tầng nội bộ phù hợp với chiến lược kinh doanh tăng trưởng có lợi nhuận. Trong năm qua, toàn thể nhân viên Công ty đã cùng nhau theo đuổi cả hai phương hướng một cách hiệu quả. Bước sang năm 2022, chúng tôi tập trung vào việc tăng cường nội lực của các bộ phận hỗ trợ tại trụ sở chính”, địa diện PTI cho biết.

Tương tự, Bảo hiểm PVI đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững với doanh thu tăng ở mức 2 con số và duy trì lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức cao như các năm gần đây; duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại và công nghiệp tại thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường Đông Nam Á; nâng hạng năng lực tài chính từ B++ (Tốt) hiện nay lên A- trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường khu vực và thế giới. Bảo hiểm PVI cũng tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2022 và trở thành doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế có thứ hạng cao ở Đông Nam Á.

Tăng trưởng và bài toán quản lý

Thị trường bảo hiểm, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm ô tô có thể sẽ sớm bùng nổ, tăng trưởng cao trở lại, nhưng một số ý kiến cho rằng, để nghiệp vụ này mang lại hiệu quả tốt nhất, các doanh nghiệp cần quản lý các yếu tố nghiệp vụ (underwriting factor) chính xác để quản lý tỷ lệ tổn thất hiệu quả. Chẳng hạn, thông tin tài xế phải được thu thập cụ thể nhất có thể. Tiếp đến, doanh nghiệp phải có cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng chính xác. Mỗi công ty quản lý rõ ràng cơ sở dữ liệu khách hàng của mình và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hoặc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phải đứng ra chia sẻ cơ sở dữ liệu này, giúp các công ty nắm được danh sách những khách hàng “đen” để quản lý tỷ lệ bồi thường tốt hơn.

Theo đại diện PTI, chỉ khi quản lý được cơ sở dữ liệu của khách hàng thì mới xây dựng được hệ thống phí bảo hiểm chiết khấu một cách chính xác. Ngoài ra, ngành bảo hiểm phi nhân thọ cần xây dựng hệ thống bồi thường tập trung vào con người, thay vì tập trung vào xe. Các thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiên tiến đều đang quản lý, vận hành với quy trình bồi thường có hệ thống, tập trung vào thiệt hại người lái xe, người ngồi trên xe.

Trong khi đó, chuyên gia bảo hiểm đến từ Hàn Quốc khuyến nghị, cùng với việc quản lý tốt hơn quy trình bồi thường, ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam cần có quy định cứng rắn hơn đối với các hình thức cạnh tranh không giới hạn tập trung vào phí, bán hàng mà không giải thích các điều khoản bảo hiểm cho khách hàng một cách hợp lý, hay hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm.

Ngoài ra, thị trường cần các tổ chức hỗ trợ hoạt động bảo hiểm như Viện phát triển bảo hiểm để nghiên cứu về sản phẩm hoặc thực tiễn bảo hiểm, Viện đào tạo bảo hiểm để nâng cao kiến thức bán hàng của nhân viên, đại lý bảo hiểm, Viện nghiên cứu ô tô để nghiên cứu kỹ thuật xử lý tai nạn, phân định lỗi, kỹ thuật phục hồi tổn thất nhằm thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm cũng như phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông hiệu quả hơn.

Tin bài liên quan