Mới đây, Công ty Ernst & Young đưa ra cảnh báo về xu hướng sụt giảm thu nhập đầu tư của các công ty bảo hiểm trên phạm vi quốc tế. Theo Ernst & Young, thu nhập đầu tư của các công ty bảo hiểm quốc tế đã giảm 14% trong giai đoạn năm 2008 - 2013 và dự kiến tiếp tục đà giảm trong năm 2014.
Sự sụt giảm thu nhập đầu tư là xu hướng chung trên phạm vi toàn cầu và thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Ở thị trường trong nước, một trong những yếu tố có thể nhìn thấy rõ trong 2 năm qua là sự suy giảm của mặt bằng lãi suất. Hiện tại, lãi suất tiền gửi và các công cụ đầu tư lãi suất cố định chỉ còn bằng 1/2 so với cách đây 2 năm.
Cụ thể, nếu năm 2011, mặt bằng lãi suất tiền gửi có giai đoạn lên tới 14%/năm, thì hiện lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại chỉ quanh mức 6%/năm.
Lãi suất trái phiếu có phần nhỉnh hơn. Theo thông tin về các cuộc đấu thầu trái phiếu chính phủ gần đây tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2-3 năm đang ở mặt bằng 6,5-7%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 5 năm ở mức 8%/năm.
Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng không thể đầu tư tỷ trọng quá lớn vào trái phiếu, bởi thanh khoản thị trường trái phiếu hiện chưa thực sự cao, chưa đảm bảo nguồn vốn khả dụng khi có nhu cầu chi trả.
Trước bối cảnh chung trong và ngoài nước, các doanh nghiệp bảo hiểm không còn con đường nào khác là phải gồng mình vượt dốc.
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến nay, tổng số doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường là 45, trong đó, phi nhân thọ là 29; nhân thọ là 16.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, thời gian tới, thị trường bảo hiểm sẽ còn cạnh tranh khốc liệt, với sự gia nhập thị trường của nhiều công ty bảo hiểm trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm năm 2013 tuy có mức tăng trưởng, nhưng tốc độ khá chậm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường năm 2013 đạt 44.388 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2012. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 23.968 tỷ đồng, tăng 5%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 20.420 tỷ đồng, tăng 11%.
Tổng số tiền đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2013 đạt 109.000 tỷ đồng, tăng 21,7% so với năm 2012. Trong đó, doanh nghiệp nhân thọ 81.000 tỷ đồng; phi nhân thọ khoảng 28.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn là đối tượng tham gia chủ yếu trong các hoạt động đầu tư tài chính tại thị trường trong nước.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cùng với các quỹ đầu tư của các ngân hàng và công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ các công ty bảo hiểm có sức mạnh hơn hẳn trên thị trường. Tuy nhiên, sức mạnh của các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ các công ty bảo hiểm chủ yếu có được do lợi thế từ “bầu sữa mẹ”. Lợi thế của các công ty trực thuộc các doanh nghiệp bảo hiểm là rất rõ ràng, khi các hợp đồng quản lý danh mục đầu tư lớn chủ yếu là ký với công ty mẹ là tổ chức bảo hiểm để quản lý phần phí bảo hiểm và phần vốn đối ứng của vốn chủ sở hữu.
Tập trung cơ cấu nhằm có lãi trong kinh doanh chính, nhưng lợi nhuận từ đầu tư vẫn là nguồn thu nhập đáng kể, vì vậy, một khi doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, khó khăn, thì rủi ro đầu tư chắc chắn ở mức cao.