Cụ thể, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH) đang xúc tiến thực hiện Đề án thành lập công ty bảo hiểm tại Lào. Theo đó, công ty bảo hiểm của BSH sẽ được thành lập tại Lào theo mô hình công ty TNHH 100% vốn của BSH (vốn điều lệ 2,3 triệu USD). Công ty của BSH tại Lào sẽ nhắm vào một số nhóm sản phẩm chính, gồm sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật cho các doanh nghiệp, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe cho con người, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm cây cao su và các cây trồng khác…, với địa bàn hoạt động chính là các trung tâm kinh tế lớn, gồm Thủ đô Vientiane, TP. Pakse và 2 tỉnh Savanakhet, Luang Prabang.
Đại diện BSH cho biết, trong 1 - 2 năm đầu, Công ty sẽ cử các cán bộ kế toán, chuyên gia bảo hiểm sang làm việc tại Lào. Trong quá trình đó, BSH sẽ tiến hành tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực tại Lào, đồng thời kết hợp với việc lựa chọn các sinh viên năm cuối của Lào học các ngành tài chính, ngân hàng tại các trường đại học của Việt Nam về thực tập và đào tạo tại BSH. Dự kiến, sau khoảng 3 năm, BSH có thể xây dựng được bộ máy nhân sự đầy đủ cho công ty bảo hiểm tại Lào.
Trong khi đó, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng có ý định thành lập một công ty bảo hiểm tại Lào để khai thác thị trường còn có khá nhiều tiềm năng này. Ông Nguyễn Quang Hiện, Chủ tịch HĐQT MIC cho biết, mục tiêu của MIC thời gian tới là sẽ tiếp tục mở rộng thị trường trong và ngoài nước, trong đó có Lào.
Hiện tại, sức hấp dẫn của thị trường bảo hiểm Lào nằm ở chỗ, sự cạnh tranh trong ngành bảo hiểm hiện vẫn ở mức thấp, chưa khắc nghiệt như thị trường Việt Nam. Lào hiện mới chỉ có 8 công ty bảo hiểm đang hoạt động, còn khá ít so với con số 59 công ty bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam.
Trong khi đó, với 440 dự án, có tổng vốn đăng ký gần 6 tỷ USD, Việt Nam hiện là quốc gia có vốn đầu tư lớn thứ hai tại Lào. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm gốc Việt sẽ còn nhiều cơ hội phục vụ cho các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, chưa kể tiềm năng chung của thị trường bảo hiểm còn khá lớn.
Hiện tại, Allianz General Lào là công ty bảo hiểm lớn nhất tại Lào (hoạt động trong cả lĩnh vực nhân thọ lẫn phi nhân thọ), chiếm tới 57,15% tổng doanh thu phí toàn thị trường. Được thành lập từ năm 1990, Allianz General Lào là công ty liên doanh bảo hiểm giữa Công ty bảo hiểm Allianz (Đức) và đối tác Lào.
Doanh nghiệp bảo hiểm lớn thứ hai tại Lào là Công ty Bảo hiểm Lào Việt (LVI), liên doanh giữa Ngân hàng Ngoại thương Đại chúng Lào (BCEL) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) của Việt Nam. Hiện LVI đang chiếm 17% tổng doanh thu phí tại Lào. Được thành lập từ năm 2008, LVI có vốn điều lệ 3 triệu USD và dự kiến sẽ tăng lên lên 6 triệu USD vào năm 2015. Đến nay, LVI có 3 chi nhánh và tập trung khai thác bán lẻ tại kênh đại lý và bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Ngoài ra, trên thị trường bảo hiểm Lào còn có một doanh nghiệp bảo hiểm gốc Việt nữa là Lanexang Insurance. Đây là công ty liên doanh giữa Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) của Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Lào (LDB), mỗi bên góp 40% vốn. 20% vốn còn lại do cán bộ, công nhân viên của PTI và LDB góp. Lanexang Insurance được thành lập từ năm 2010, chủ yếu khai thác bảo hiểm tài sản và xe cơ giới thông qua mạng lưới ngân hàng và bưu điện. Năm 2013, doanh thu của Lanexang Insurance đạt 1,7 triệu USD và dự kiến sẽ tăng lên 2 triệu USD năm 2015.