Đặc biệt là các hợp đồng đối với nhà máy hoặc DN có liên quan đến vật liệu như bông, gỗ, vải sợi…. bởi đây là những mặt hàng được liệt vào nhóm rủi ro dễ cháy nổ cao, thuộc Cat 3 và Cat 4 (phân loại mức độ rủi ro trong bảo hiểm).
Theo tìm hiểu của ĐTCK, vụ cháy tại Công ty TNHH Hóa chất S.G tại Bình Dương vào giữa tháng 3/2016 đã gây thiệt hại ước tính khoảng 18 tỷ đồng cho DN. Những tổn thất được tính sau vụ cháy là hư hỏng nặng nhà xưởng sản xuất, nhà kho, khu vực phụ trợ sau nhà kho, khu vực văn phòng trong nhà xưởng sản xuất, ngoài ra còn có máy móc thiết bị và dây chuyền sản suất hàng hóa…
Hiện DN này đã hoàn thiện các thủ tục giám định với cơ quan công an và đang làm thủ tục yêu cầu bồi thường. Được biết, Công ty đã mua bảo hiểm mọi rủi ro tài sản của PTI. Đại diện của PTI cho biết, PTI đang phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để tiến hành các thủ tục giám định và chi trả bồi thường.
Thực tế, đây chỉ là một trong nhiều vụ cháy nổ có thiệt hại lớn đã xảy ra từ hồi đầu năm 2016 đến nay. Tổng hợp sơ bộ cho thấy, chỉ trong vài tháng đầu năm đã có khá nhiều vụ tổn thất do cháy nổ, chẳng hạn, vụ cháy chợ Phủ Lý (Hà Nam); vụ cháy gara ô tô và Thế giới di động ở Cống Quỳnh, Quận 1, TP. HCM; vụ cháy xưởng gỗ ở Bình Dương, sau đó lan sang một vài công ty kế bên; và mới đây nhất là vụ cháy hơn 3.000 m2 nhà xưởng cùng nhiều nguyên vật liệu làm giày, dây chuyền sản xuất, hóa chất công nghiệp, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng của một DN tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP. HCM…
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một DN bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, những tổn thất thuộc Cat 3 và Cat 4 trong vài năm là rất lớn. Chính vì vậy, hiện nay một số công ty bảo hiểm hiện không muốn bán bảo hiểm cho những DN có mức độ rủi ro cao như vậy nữa.
Thực tế, việc các DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước e ngại nhận đơn bảo hiểm rủi ro cao về cháy nổ thuộc Cat 3 và Cat 4, đồng thời kiểm soát khá chặt chẽ những hợp đồng bảo hiểm này không chỉ bởi các vụ tổn thất như vậy xảy ra ngày càng nhiều với mức độ thiệt hại lớn, mà còn vì những năm gần đây, các công ty bảo hiểm trong nước đã nhận được cảnh báo từ các nhà tái bảo hiểm quốc tế đối với những đơn hàng này.
Bên cạnh đó, các nhà tái bảo hiểm quốc tế cũng đưa ra những điều khoản, điều kiện rất chặt chẽ trước khi nhận các hợp đồng tái bảo hiểm từ trong nước, thậm chí là giảm khả năng nhận tái bảo hiểm và tăng thêm phí nhận tái bảo hiểm…
“Việc thắt chặt điều kiện nhận tái bảo hiểm của các nhà tái bảo hiểm quốc tế đã được thực hiện từ vài năm gần đây, đặc biệt đối với những hợp đồng tái bảo hiểm liên quan đến rủi ro cháy nổ…”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ đạt 2.856 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,91% tổng doanh thu phí của toàn thị trường.
Theo các chuyên gia trong ngành, phân khúc này dù tiềm năng nhưng không nhiều DN bảo hiểm muốn mở rộng bởi các yêu cầu nhận tái bảo hiểm của các nhà tái bảo hiểm ngày càng khắt khe, khiến các DN trong nước cũng buộc phải kiểm soát chặt ngay từ khâu nhận các hợp đồng bảo hiểm, nhất là với những đơn bảo hiểm liên quan đến hàng hóa dễ cháy nổ thuộc nhóm rủi ro Cat 3, Cat 4.
“Từ vài năm nay, chúng tôi đã siết chặt và từ chối những hợp đồng bảo hiểm cho các nhà máy hay DN có độ rủi ro cháy nổ cao trong khi điều kiện an toàn lao động và điều kiện phòng cháy, chữa cháy chưa đủ chuẩn. Có lẽ đây cũng là xu hướng chung trong ngành, trừ những DN bảo hiểm vẫn bán vì doanh thu”, đại diện một DN bảo hiểm nhìn nhận.