Doanh nghiệp bảo hiểm còn nhiều “tâm tư”

Doanh nghiệp bảo hiểm còn nhiều “tâm tư”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 và trên tinh thần đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể hơn để cơ quan quản lý xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật sát với thực tiễn.

Muốn được chủ động hơn trong phát triển sản phẩm

Cùng với xem xét nghiên cứu lại bảng tỷ lệ tử vong cho thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng như xây dựng khung chuẩn cho bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn, trong cuộc họp thường niên của ngành bảo hiểm mới đây, các doanh nghiệp nhân thọ mong muốn được trao quyền chủ động hơn nữa trong phát triển sản phẩm trên cơ sở phân khúc khách hàng mục tiêu, kênh phân phối bán hàng, kinh nghiệm và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp..., đúng như tinh thần của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi).

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu khai thác mới của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn và liên tục sụt giảm, hiện đến 3% tổng doanh thu khai thác mới toàn thị trường, trong khi ở nhiều thị trường châu Á khác thường ở mức cao. Chẳng hạn, tại Singapore, trong quý I/2022, doanh thu sản phẩm chia lãi chiếm tỷ trọng 45% và không chia lãi chiếm tỷ trọng 34% trong tổng doanh thu khai thác mới. Nguyên nhân giảm sút được chỉ ra là do chi phí vốn cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống theo quy định hiện hành cao hơn nhiều so với sản phẩm liên kết đầu tư.

Để hoàn thiện quy định hướng dẫn về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe..., tạo sự đa dạng cho giỏ sản phẩm, từ đó khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, tại cuộc họp nêu trên, các doanh nghiệp đề xuất cơ quan quản lý cần đưa ra phương pháp tính phí phù hợp hơn cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống truyền thống trong tương quan với sản phẩm liên kết đầu tư, chẳng hạn giảm lãi suất kỹ thuật tính dự phòng..., đồng thời xem xét không áp dụng các hạn mức trần (về tỷ lệ rủi ro, phí bảo hiểm, chi phí, lãi suất...) trong tính toán phí bảo hiểm; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng các phương pháp tính toán phí bảo hiểm phổ biến trên thế giới như phương pháp ngẫu nhiên (stochastic)...

Với bảo hiểm sức khỏe, theo Điều 19 - Thông tư 50/2017/TT-BTC quy định về dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, trong mọi trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đảm bảo kết quả trích lập dự phòng không thấp hơn kết quả trích lập theo phương pháp hệ số thời hạn 1/8... Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với hợp đồng đóng phí định kỳ, đóng phí nhiều lần trong thời hạn bảo hiểm nên cần sửa đổi.

Thúc đẩy bảo hiểm hưu trí

Theo thống kê của IAV, trong 2 quý đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ ước đạt 84.467 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,5%; bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,6%; bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 20,4%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10%.

Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,52%. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,2%; bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,6%; bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,1%; bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%; bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,48% và bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,006%.

Số liệu trên cho thấy, sau gần 9 năm ra mắt, việc khai thác sản phẩm bảo hiểm hưu trí vẫn rất hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu cũng như tiềm năng của phân khúc này. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra và liên tục được nhắc lại trong những năm qua, đó là hoa hồng của sản phẩm quá thấp, chỉ 3% tổng phí bảo hiểm; chính sách thuế chưa thực sự hỗ trợ và khuyến khích người dân tham gia (mức khấu trừ 3 triệu đồng/tháng/người và chỉ áp dụng với người làm các công việc có thu nhập đóng thuế thu nhập cá nhân, trong khi khách hàng đều chịu ràng buộc pháp lý như nhau); thiết kế sản phẩm chưa linh hoạt; phải đóng góp “quỹ mồi” 200 tỷ đồng và không được rút ra…

Để thúc đẩy sản phẩm này, các doanh nghiệp đưa ra một loạt đề xuất như không buộc cung cấp quyền lợi trợ cấp mai táng; cho phép cung cấp quyền lợi bảo hiểm đa dạng và linh hoạt hơn như các thị trường phát triển, chẳng hạn khách hàng có thể nhận quyền lợi hưu trí ở tuổi 70, tức là thời gian hưởng quyền lợi ngắn hơn; cho phép được rút trước một phần tài khoản hưu trí (chẳng hạn ở mức 50%) để thanh toán các chi tiêu thiết yếu (mua nhà ở, chữa bệnh, đóng học phí…); cho phép cung cấp sản phẩm hưu trí dưới nhiều loại hình như niên kim, liên kết đơn vị… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng…

Về cơ sở tính thuế, chỉ phần phí bảo hiểm khách hàng được hưởng ưu đãi về thuế mới phải chịu các quy định của bảo hiểm hưu trí (về rút trước, nhận quyền lợi hưu trí); xem xét nâng mức phí bảo hiểm đóng bảo hiểm hưu trí được khấu trừ từ thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân; điều chỉnh quy định hoa hồng tương đương với bảo hiểm liên kết chung (trường hợp quy định của bảo hiểm hưu trí vẫn được xây dựng tương tự như bảo hiểm liên kết chung) để tăng tính hấp của bảo hiểm hưu trí...

Tin bài liên quan