30% số tiền bồi thường bảo hiểm do gian lận
Chủ đề gian lận không còn lạ lẫm trong những năm gần đây, có rất nhiều khảo sát đã được thực hiện để có thể định lượng mức độ rủi ro, gian lận trong bộ máy tổ chức. Một nghiên cứu cũng cho thấy, mọi tổ chức hay doanh nghiệp đều chịu mức tổn thất doanh thu 5% mỗi năm do gian lận. Lấy mức 5% này để tính trên tổng doanh thu của doanh nghiệp, chúng ta sẽ có con số cụ thể về tổn thất do gian lận gây ra. Một khảo sát khác về xác định bồi thường bảo hiểm cũng cho thấy, 30% số tiền bồi thường bảo hiểm liên quan đến gian lận.
Nhiều người có thể không đồng ý với kết quả này, do họ không hiểu rõ mức độ gian lận thực sự đang diễn ra trong công ty mình.
Việc nhận biết các gian lận cụ thể thực sự không phải là công việc đơn giản. Người ta chỉ dễ dàng nhìn thấy những tổn thất bề nổi, mà không thể thấy hết những tổn thất tiềm tàng. Và sẽ là hoang đường khi cho rằng gian lận bảo hiểm là một hành vi vô hại.
Những kẻ tiến hành gian lận và công ty bảo hiểm có thể cho rằng, việc tiến hành một vụ gian lận sẽ không có vấn đề gì vì các công ty bảo hiểm đã có phương án đối phó với các khoản chi phí liên quan đến bảo hiểm và xem xét đến các yếu tố này trong hoạt động kinh doanh của họ cũng như đây là công việc không phải của một cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm có thể vì việc này mà mất đi các khách hàng mà không rõ lí do vì sao.
DN bảo hiểm mải quản trị rủi ro cho người khác
Các công ty bảo hiểm là bậc thầy về quản trị rủi ro, tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là các công ty bảo hiểm lại tập trung bảo hiểm rủi ro cho các tổ chức, doanh nghiệp khác để kiếm được một khoản tiền hơn là quản trị rủi ro cho chính doanh nghiệp mình.
Khi các công ty lựa chọn quản trị rủi ro cho toàn bộ doanh nghiệp, rủi ro gian lận sẽ là một phần trong đó, nhưng có thể trong một thời gian ngắn, một công ty chưa muốn tiến hành ngay khung quản trị rủi ro hoàn chỉnh cho toàn bộ doanh nghiệp, nên một khung quản trị rủi ro cho các gian lận sẽ là một biện pháp tốt để quản trị rủi ro.
Có điều mọi người hay hiểu nhầm gian lận chỉ liên quan đến vấn đề tài chính - kế toán, nhưng thực chất đây lại là vấn đề liên quan đến con người, vì vậy, việc quản trị rủi ro về gian lận là vấn đề liên quan đến con người.
Một nghiên cứu cho thấy, 10% cán bộ của các tổ chức là những người toàn tâm toàn ý cho công việc, với tinh thần chuyên nghiệp. 10% khác vốn dĩ muốn tiến hành gian lận, 80% còn lại là những người bình thường và nếu đặt trong một hoàn cảnh bình thường, họ sẽ không tiến hành các gian lận đối với công ty mình. Nhưng họ sẽ nhìn vào ban lãnh đạo của mình, xem xét thái độ của lãnh đạo đối với gian lận. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp có thái độ đúng đắn đối với gian lận thì 80% nhân sự đó cũng sẽ có thái độ phù hợp.
Thái độ chung của các doanh nghiệp với quản trị gian lận là doanh nghiệp cần được thực hiện một số phần việc như xây dựng quy tắc về đạo đức và ứng xử, đưa ra các chính sách ngăn ngừa gian lận, đưa ra các khóa học nâng cao nhận thức. Khi tôi trao đổi về quy tắc đạo đức ứng xử trong một buổi tọa đàm, họ đã cười vào nội dung đó. Có thể họ không hiểu rõ giá trị của các giá trị đạo đức này. Thực tế, không ít tổ chức đưa ra các quy tắc đạo đức ứng xử, nhưng những quy tắc này đã không được truyền tải đến toàn bộ cán bộ nhân viên.
Một vấn đề nữa, đó là nên lập ra các đường dây nóng và được bảo mật để giúp các nhân viên có thể trao đổi các thông tin về các hành vi sai trái họ thấy được hay nghi ngờ đã xảy ra hay không. Liệu công ty bảo hiểm có thể cam kết thành lập một kênh trao đổi để các nhân viên được bảo mật danh tính và báo cáo những hành vi sai trái họ nhân thức được trong công ty hay không? Chẳng hạn như sẽ có những nhân viên trong công ty sẵn sàng báo cáo về những gì mình quan sát được. Tất nhiên, song hành với đó, cũng cần ban hành một cơ chế thưởng cho những ai phát hiện ra gian lận bảo hiểm và cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo gian lận bảo hiểm.
Công nghệ thông tin là công cụ đắc lực cho việc phát hiện trục lợi bảo hiểm
Vai trò chủ chốt của CEO
Có thể áp lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu đè nặng lên vai người lãnh đạo doanh nghiệp, dồn xuống các nhân viên ở cấp dưới, rồi cấp dưới thấp hơn khiến việc quản trị rủi ro bị bỏ quên. Nhưng hiệu quả hoạt động cần phải đi đôi với quản trị rủi ro. Nếu không, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tự hại mình khi số tiền thu được từ việc bán sản phẩm bảo hiểm đi vào doanh nghiệpbảo hiểm rồi lại đi ra qua đường bồi thường bảo hiểm một cách gian dối.
Nếu doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận đầu tư quản trị rủi ro tốt thì sẽ tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ, mang lại doanh thu cao và lợi nhuận nhiều thêm. Vì theo khảo sát của EY, hơn 80% số người được khảo sát cho rằng, gian lận bảo hiểm làm tăng chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm, ít nhất là 1% và có thể lên tới 5%. Nghiên cứu gian lận toàn cầu của Tổ chức ACFE (Association of Certified Fraud Examiners) năm 2014 cũng cho thấy, mỗi doanh nghiệp tổn thất 5% doanh thu do gian lận, nếu áp dụng cho tổng sản phẩm toàn cầu năm 2013, thì mức tổn thất dự kiến gần 3.700 tỷ USD.
Câu hỏi đặt ra là liệu lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm đã có thái độ đúng đắn về quản trị rủi ro hay chưa? Nếu các lãnh đạo doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề đó thì chắc chắn sẽ chẳng có ai trong Công ty mặn mà với quản trị gian lận bảo hiểm.
Quản trị rủi ro bằng công nghệ thông tin, tại sao không?
Do đó, quản trị rủi ro bảo hiểm cần thiết hơn bao giờ hết và chắc chắn không thể thiếu công cụ đắc lực, đó là áp dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc phát hiện trục lợi bằng công nghệ thông tin. Nếu ban lãnh đạo Công ty có thái độ đúng đắn và thiết lập được hệ thống quản trị rủi ro gian lận tốt thì công tác đánh giá mức độ rủi ro bảo hiểm, xem xét bồi thường… sau đó sẽ khá thuận tiện. Một lợi thế trong sử dụng công nghệ để phân tích dữ liệu kế toán là khi đó, có thể nhìn vào các dữ liệu là kết quả của những giao dịch, hoạt động của Công ty đã thật sự xảy ra. Trong khi ,nếu làm theo cách truyền thống là phỏng vấn người có hành vi sai trái thì có thể sẽ cho ra một đáp án thiếu chuẩn xác, dẫn đến xác định rủi ro sai.
Đây cũng được xem là một biện pháp tích cực, chủ động để quản trị rủi ro tại các DN bảo hiểm mới, hay thậm chí với các DN có chi nhánh rộng lớn, họ có thể quan tâm đến hệ thống quản trị rủi ro bằng hệ thống công nghệ thông tin.