Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) khẳng định, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị suy kiệt.
Tại tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do Báo Tiền phong tổ chức sáng 6/3, một lần nữa, các vấn đề về chiết khấu, chi phí kinh doanh xăng dầu lại là vấn đề "nóng", được các doanh nghiệp bán lẻ 'kêu" tới các ngành chức năng, cơ quan quản lý nhà nước.
Bán lẻ xăng dầu suy kiệt tài chính
"Chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn là vấn đề nóng, khi hơn một năm qua, chúng tôi gần như bỏ tiền túi ra kinh doanh, do chiết khấu dưới điểm hòa vốn, dẫn đến tình hình tài chính suy kiệt, tinh thần hoang mang". Đây là khẳng định của ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) khi mở đầu ý kiến doanh nghiệp tại Tọa đàm.
Kinh doanh như vậy, không khác gì doanh nghiệp bán lẻ bị "bức tử", vì dù lỗ vẫn phải bán hàng, nếu không doanh nghiệp sẽ bị phạt.
Tuy nhiên, sau ngày 14/02/2023, Hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 83/20214/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được tổ chức ở VCCI, thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tuỳ khu vực.
"Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có? Trong khi Nghị định thì chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi, Có phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối lợi dụng gom hết phần này, nay thấy không thể thâu tóm được tất cả, nên phải trích ra cho khâu bán lẻ", ông Tây đặt câu hỏi.
Bộ Công thương luôn giải thích chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên theo các doanh nghiệp, những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối.
Do đó, ông Tây đề nghị, về chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức, cần phải phân chia rõ ở 2 khâu là bán buôn và bán lẻ theo tỷ lệ phần trăm phải được quy định trong Nghị định sửa đổi bổ sung mới, riêng khâu bán lẻ phải có từ 5-6%/trên giá bán lẻ, như vậy doanh nghiệp bán lẻ mới đủ trang trải chi phí hoạt động trong mọi tình huống.
Phải bỏ tiền túi trả lương lao động trong khi kinh doanh thua lỗ là chia sẻ của ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương, vốn là doanh nghiệp bán lẻ tại TP.HCM.
Ông Báu cho hay, cần xây dựng lại chính sách sao cho hợp tình hợp lý, để các khâu đều có lợi ích để cùng kinh doanh cung ứng xăng dầu thông suốt cho thị trường. Nên quy định mức chiết khấu 5-6%/giá bán lẻ, cho phép bán lẻ được lấy từ nhiều đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính, cho phù hợp cơ chế thị trường, để doanh nghiệp bán lẻ ổn định, yên tâm phát triển, đưa xăng dầu tới người tiêu dùng.
Theo quan điểm của ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP.HCM), năm 2022 tình hình thị trường xăng dầu trong nước luôn biến động do nguồn cung không đảm bảo các nhà bán lẻ xăng dầu kinh doanh thua lỗ, chiết khấu thường xuyên không có do các nhà cung cấp cắt chiết khấu, khiến chuổi cung ứng đến người tiêu dùng bị gián đoạn.
Tình trạng này là do những điểm bất công và kẻ hở trong nghị định về quản lý kinh doanh xăng đầu hiện nay.
"Xăng dầu là loại năng lượng như nguồn máu nuôi các tế bào trong xã hội và cần phải cung úng liên tục, nhưng do cơ chế điều hành còn bất cập và thiếu minh bạch nên xảy ra những tình trạng vừa qua", ông Thật nêu.
Góp ý những vấn đề cần sửa đổi cho Nghị định kinh doanh xăng dầu, ông Thật cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ 1 nhà cung cấp trong khi đó doanh nghiệp đầu mối; doanh nghiệp thương nhân phân phối và doanh nghiệp tổng đại lý đều có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng được lấy xăng dầu nhiều nguồn chồng chéo lẫn nhau còn bán lẻ chỉ được lấy từ một nguồn. Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có phá thế độc quyền để cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường minh bạch không?
"Trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuổi cung ứng nên dẫn đến tình trạng khi biến động giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo thì các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu bằng o đồng hay thông báo nguồn hàng chưa về cảng hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuổi cung ứng đến người tiêu dùng", ông Thật nêu ý kiến.
Theo đó, cần phải đưa vào Nghị định mức chi phí cố định tối thiểu cho các doanh nghiệp bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ khi Nhà nước ấn định điều hành giá để đảm bảo hoạt động được duy trì xuyên suốt vì các doanh nghiệp bán lẻ là chuổi cung ứng quan trọng đến từng tế bào trong xã hội.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Duy Đông, Vụ trường Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, khi doanh nghiệp càng bán hàng càng lỗ, như "cắt máu chính mình" thì rõ ràng là thị trường đã có vấn đề.
Vì vậy, ông Đông cho rằng, "quan điểm, sửa Nghị định, nhưng không nên vội vàng, cần sửa căn cơ, lâu dài, hướng tới thị trường hơn để giảm bớt cả khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, bởi nguồn lực của nhà nước có hạn, không thể chạy theo những thay đổi quá nhanh chóng của thị trường".