Các doanh nghiệp đặt mục tiêu bảo vệ dòng tiền hoạt động lên trên hết. Trong ảnh: Cửa hàng Bách hóa xanh của Thế giới Di động
Kỳ vọng sáng sủa dần mất đi
Tuần qua là cao điểm của mùa báo cáo quý III, khi phần lớn doanh nghiệp đã lộ diện kết quả kinh doanh quý. Trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ đang có nhiều động thái thận trọng.
Báo cáo tài chính quý III của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) có nhiều chỉ tiêu vẫn tăng trưởng, với doanh thu thuần đạt hơn 32.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 900 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 15% so với cùng kỳ.
So với các quý liền trước, kết quả trên có chiều hướng đi xuống. Bởi kết quả này đang so sánh trên mức nền thấp của cùng kỳ khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do phải đóng hàng trăm cửa hàng để chống dịch.
Cụ thể, chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh chứng kiến sự sụt giảm 12% sau 3 quý kinh doanh, đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng và đóng góp khoảng 19,4% doanh số tập đoàn. Trong khi đó, các chuỗi Điện máy xanh và Thế giới Di động vẫn đóng góp chủ lực chiếm 79% tổng doanh thu, lần lượt mang về khoảng 54.000 tỷ đồng và 27.000 tỷ đồng từ đầu năm. Tổng thu từ các chuỗi điện thoại và điện máy vẫn tăng trưởng 27% so với cùng kỳ.
Lũy kế từ đầu năm, tập đoàn bán lẻ này ghi nhận doanh thu thuần 102.816 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và đã hoàn thành 73% kế hoạch cả năm.
Trong bối cảnh lãi suất tăng, tỷ giá biến động lớn, các doanh nghiệp tuy đặt mục tiêu nỗ lực tăng trưởng dương, nhưng trên hết vẫn là bảo vệ dòng tiền hoạt động.
Giá vốn, chi phí bán hàng và lãi vay tăng nhanh, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn thu về 3.483 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với 3 quý của năm 2021. Con số này mới chỉ hoàn thành 55% mục tiêu của cả năm.
Riêng doanh thu chuỗi bán lẻ thực phẩm trong quý III đã giảm 23% từ mức đỉnh cùng kỳ năm trước khi người dân tích trữ mua sắm. Thêm nữa, tập đoàn đã đóng cửa hàng trăm cửa hàng khiến số điểm bán ít đi đáng kể trong quý vừa qua, tuy nhiên, tổng sản lượng bán hàng vẫn đạt hơn 90% so với mức đỉnh.
Doanh thu bình quân của cửa hàng Bách hóa xanh riêng tháng 9 đạt 1,36 tỷ đồng/cửa hàng. Công ty cho biết, do định hướng chỉ bán rau trong ngày nên khi thời tiết mưa nhiều dẫn đến tỷ lệ bán giảm giá cuối ngày tăng lên, ảnh hưởng đến doanh thu chuỗi. Doanh thu dự kiến đạt 1,5-1,6 tỷ đồng trong mùa cao điểm mua sắm tháng 12 tới.
Cũng hoạt động trong ngành bán lẻ, JYSK là chuỗi cửa hàng bán lẻ quốc tế đến từ Đan Mạch, chuyên cung cấp giải pháp trang trí nội thất theo phong cách Bắc Âu. Năm 2015, JYSK gia nhập thị trường Việt Nam theo hình thức nhượng quyền với Công ty NeatClean, với cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên (Hà Nội).
Sau khi đóng 4 cửa hàng (3 ở TP.HCM, 1 ở Hà Nội) trong thời điểm khó khăn vì đại dịch, hiện thương hiệu này có 12 cửa hàng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Bình Dương. JYSK Việt Nam đang cung cấp hơn 2.000 sản phẩm đa dạng ngành hàng từ nội thất, trang trí, gia dụng đến chăn ga gối đệm.
Đại diện JYSK tiết lộ, tháng 12 tới sẽ đưa vận hành cửa hàng theo mô hình mới ở 100 - Lò Đúc (Hà Nội). Nhưng với thông tin được cho là khá đột ngột từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) về quyết định sử dụng một số biện pháp chống bán phá giá tạm thời với bàn ghế nhập từ Trung Quốc, khiến doanh nghiệp này thận trọng hơn.
Bảo vệ dòng tiền
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, các nhà đầu tư dần trở nên quan tâm tới những yếu tố có tác động trực tiếp tới triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai. Trong bối cảnh lãi suất tăng, tỷ giá biến động lớn, đang đẩy các doanh nghiệp có tỷ suất vay nợ lớn bằng cả đồng nội tệ lẫn ngoại tệ lên một mức rủi ro cao hơn.
“Với việc kiểm soát chặt chẽ hạn mức tín dụng trong năm 2022, kèm theo niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu bị thử thách, thì khả năng cung ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn về dòng tiền”, ông Sơn nhận định.
Công ty Thế giới Di động đặt ra mục tiêu nỗ lực tăng trưởng dương trong năm 2022, nhưng trên hết vẫn là bảo vệ dòng tiền hoạt động. Lãnh đạo công ty này cho biết, dòng tiền lành mạnh giúp họ trụ vững, giúp doanh nghiệp có dư địa và chủ động tăng tốc ngay khi điều kiện kinh doanh thuận lợi và có cơ hội phát triển trong tương lai.
Một trong những biện pháp công ty đã thực hiện ngay từ quý III, đó là cơ cấu vốn vay một phần nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn. Thế giới Di động cho biết, những khoản vay dài hạn đến hạn trả trong quý IV đã được chuẩn bị sẵn nguồn tiền. Khoản vay dài hạn mới giải ngân cuối quý III/2022 đến năm 2025 mới đáo hạn và có lãi suất tốt so với thị trường.
Một động thái nữa của Thế giới Di động là tạm dừng mở mới tất cả các chuỗi (trừ những cửa hàng cho lợi nhuận ngay hoặc cửa hàng thử nghiệm). Điều này cũng góp phần không làm âm thêm dòng tiền hoạt động trong kỳ. Thế giới Di động cũng tái cơ cấu mạnh tay, bao gồm đóng hơn 400 cửa hàng thiếu hiệu quả.
Ban lãnh đạo Thế giới Di động đã nhận định từ sớm về các kịch bản của thị trường và các biến động bất lợi có thể có trong ngành bán lẻ như tác động của lạm phát đến sức mua của người tiêu dùng (nhất là các mặt hàng không thiết yếu), cũng như các chi phí đầu vào và chi phí tài chính tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng và tỷ giá...
Đối với kế hoạch quý cuối năm, công ty này sẽ kiểm soát chặt chẽ hàng tồn kho ở tất cả chuỗi bán lẻ hiện có để đảm bảo phục vụ mùa mua sắm cao điểm cuối năm, nhưng không gây ra gánh nặng cho năm sau.
Tùy quy mô doanh nghiệp mà có độ ảnh hưởng khác nhau. Với JYSK, tuy quy mô nhỏ, nhưng hiện khách hàng chỉ tập trung mua những gì thiết yếu, thay vì mua đồ ngẫu hứng như trước đây, nên doanh nghiệp cũng phải giảm những mặt hàng ít thiết yếu.
“Chúng tôi chỉ duy trì tồn kho đầy đủ cho top 300 mặt hàng bán tốt như đồ phòng khách, phòng ngủ, sofa, ghế ăn, giường và gối, kiểm soát chặt tồn kho”, đại diện JYSK cho hay.