Doanh nghiệp bán lẻ sôi động mùa cuối năm

Doanh nghiệp bán lẻ sôi động mùa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiến lược đa dạng hóa ngành hàng đã giúp các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua sóng gió quý III và tăng tốc trong mùa cao điểm mua sắm.

Đa dạng ngành hàng cứu lợi nhuận quý III

Anh Nguyễn Vũ Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 11 tới nay, anh và nhóm bạn đầu tư bắt đầu mua vào cổ phiếu ngành bán lẻ. Luận điểm của anh là, khi nền kinh tế phục hồi, sức mua của người dân tăng sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng.

“Quý IV là mùa mua sắm, nhóm cổ phiếu bán lẻ sẽ có đà tăng theo sức mua tăng”, nhà đầu tư Phạm Minh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định.

Các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết đã xoay trục kinh doanh hiệu quả, tái cơ cấu danh mục bán hàng để tối ưu hóa lợi nhuận phù hợp với tình hình thực tế.

Kỳ vọng của nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu này còn dựa trên sự năng động mà các doanh nghiệp ngành này thể hiện trong giai đoạn giãn cách xã hội. Dù nền kinh tế chung bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa nhưng các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết đã xoay trục kinh doanh hiệu quả, tái cơ cấu danh mục bán hàng để tối ưu hóa lợi nhuận phù hợp với tình hình thực tế.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), doanh thu quý III tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 236 triệu đồng). Lũy kế 9 tháng, FRT đạt doanh thu 14.018 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 2.529 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 108 tỷ đồng, tăng 470% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu tăng 207% so với cùng kỳ nhờ việc mở mới cửa hàng nhanh chóng và các tác động từ dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và vật tư y tế cũng tăng lên.

VCSC ước tính, doanh thu của một cửa hàng Long Châu tăng từ 920 triệu đồng trong quý I/2021 lên 1 tỷ đồng trong quý II/2021 và 1,4 tỷ đồng trong quý III năm 2021. Đáng chú ý, biên lợi nhuận ròng của mảng nhà thuốc Long Châu đã cải thiện từ -1,1% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 1,4% trong quý III. Đây cũng là quý đầu tiên Long Châu ghi nhận lợi nhuận dương.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) tăng trưởng tốt trong bối cảnh mảng bán lẻ công nghệ bị suy giảm trong 9 tháng đầu năm nhờ đóng góp tích cực của chuỗi Bách Hóa Xanh. Cụ thể, trong giai đoạn này, MWG có doanh thu 86.819 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.417 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,7% và 8,1% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW) ghi nhận doanh thu 9 tháng đạt 13.049 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 330 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 53% và 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả 9 tháng, DGW đã thực hiện được 86% kế hoạch về doanh thu và vượt 10% chỉ tiêu về lợi nhuận.

Đa dạng hóa danh mục bán lẻ, lấy mảng này bù mảng khác là cách các doanh nghiệp nhóm này đã tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận. Như MWG sụt giảm mảng bán lẻ điện thoại thì đã có mảng bán lẻ hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh tăng trưởng tốt; FRT sụt giảm mảng điện thoại thì mảng máy tính, máy tính bảng và nhà thuốc bù đắp.

Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhu cầu sử dụng máy tính, máy tính bảng cho nhu cầu học tập và làm việc ở nhà gia tăng cùng với thời điểm khai giảng năm học mới trong quý III, DGW đã có doanh thu mảng này tăng mạnh. Riêng máy tính bảng trong quý III tăng 46% so với cùng kỳ đạt 1.855 tỷ đồng.

Tăng tốc trong quý IV

Bước vào giai đoạn “bình thường mới”, các cửa hàng được mở cửa trở lại là động lực quan trọng để doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng khởi sắc. Từ ngày 1/10, các cửa hàng của FRT tại TP.HCM đều từng bước mở cửa lại. Chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là mảng đóng góp tích cực vào doanh thu, lợi nhuận của Công ty trong quý IV.

FRT cho biết, doanh thu Long Châu dự kiến đóng góp khoảng 15 - 20% vào tổng doanh thu hợp nhất và kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tương tự như trong quý II.

Ở mảng điện thoại, FRT dự báo sau khi sức mua bị kìm nén trong thời gian dài có thể bùng nổ trong quý IV cùng nhu cầu mua sắm tăng mạnh dịp lễ, Tết. Đây cũng là quý cao điểm của mua sắm, có nhiều sản phẩm mới ra mắt như Galaxy Z Fold3, Z Flip3 5G hay iPhone 13 Series…

Lãnh đạo FRT cho biết, Công ty đã chuẩn bị rất tốt về hàng hóa, cung ứng, các biện pháp ứng phó Covid-19 để có thể duy trì hoạt động, phục vụ nhu cầu của khách hàng tốt hơn. Với tình hình như hiện nay, FRT dự kiến sẽ vượt kế hoạch kinh doanh đã đề ra cho năm nay.

Tại DGW, Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC) đưa ra dự báo có thể tăng mạnh căn cứ vào việc mở cửa nền kinh tế, động lực cung - cầu thuận lợi và việc ra mắt các sản phẩm mới trong mùa cao điểm.

Quý IV, DGW đặt kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 172 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 49% và 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một kế hoạch khá tham vọng đặt trong bối cảnh sức mua của người tiêu dùng mới đang dần hồi phục.

MWG cũng vừa thông qua Nghị quyết thành lập công ty con để kinh doanh dịch vụ kho bãi và vận chuyển hàng hóa nhằm tối ưu hóa hoạt động quản lý và vận hành hệ thống kho bãi, hoạt động vận tải, giao hàng giữa các kho tổng và cửa hàng, mở rộng cung cấp dịch vụ logistics cho các đối tác bên ngoài cũng như tạo cơ hội để huy động vốn trong tương lai.

Sự ra đời của công ty logisitcs sẽ giúp MWG có thể dần hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình. MWG cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ tại MWG thêm 800 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh thêm 3.200 tỷ đồng. Đây là tiền đề để Công ty tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới. Mặt khác, MWG cũng dự kiến tái cấu trúc Công ty cổ phần Bán lẻ An Khang, bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ cho Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh.

Trước đó, nhận định về triển vọng năm 2021, BVSC đã dự báo tổng lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2023 của MWG sẽ tăng thêm 3% nhờ biên lợi nhuận gộp cao hơn dự kiến.

MWG sẽ tối ưu hóa chi phí tốt hơn mong đợi tại Bách Hóa Xanh nhờ triển khai thành công Bách Hóa Xanh online và thâm nhập vào các mảng bán lẻ mới. Tuy nhiên, MWG cũng có rủi ro trong tiến độ mở mới cửa hàng và khả năng sinh lời thấp hơn dự kiến, chi tiêu của người tiêu dùng cho điện thoại thông minh và thiết bị điện tử thấp hơn kỳ vọng.

Mỗi cổ phiếu có một câu chuyện riêng và kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn. Mùa mua sắm cuối năm, nhóm cổ phiếu bán lẻ sẽ tiếp tục lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư.

Tin bài liên quan